Nội dung quy định về công trình xây dựng sai phép không phép được phạt tiền cho tồn tại trong Thông tư số 02/2014/TT-BXD đã dành được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên vẫn còn những tranh luận cho rằng: mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe; mức tiền phạt phải cao gấp nhiều lần giá trị của phần xây dựng trái phép thì mới làm người dân ngần ngại khi phải lựa chọn giữa xây dựng đúng và sai phép; nội dung của Thông tư cần phải quy định rõ trường hợp nào được nộp phạt, trường hợp nào sẽ bị tháo dỡ thậm chí là thu hồi để xung công…Để rộng đường dư luận, làm rõ hơn nội dung của Thông tư và giải đáp một số thắc mắc của nhân dân, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng.

PV. Thưa Ông, nhiều năm qua hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép vẫn đang tồn tại như thách thức với pháp luật và xã hội, vậy thì lý do sao mà Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD thu tiền cho tồn tại?

TS. PGY. Đặt vấn đề như vậy là chưa chính xác, nói chính xác phải là: Thông tư số 02/2014/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn 11 vấn đề trong Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có một vấn đề được hướng dẫn Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121 quy định: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”

Để hiểu vấn đề này một cách cặn kẽ, Tôi xin giải thích như sau:

1. Thứ nhất: Trên thực tế, như các đồng chí nêu là đúng, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép tồn tại nhiều năm qua không xử lý được, mặc dù quy định của pháp luật đã rất đầy đủ, việc tồn tại đó chứng tỏ các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống hoặc thực thi pháp luật chưa nghiêm, điều đó đặt ra cần phải nghiên cứu bổ sung để pháp luật. Thông tư số 02/2014/TT-BXD cũng như Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Nghị định số 180/2010/NĐ-CP đều quy định tất cả các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng (sai phép, không phép, sai quy hoạch 1/500 được phê duyệt….) đều phải phát hiện kịp thời, xử lý phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế phá dỡ. Tuy nhiên Nghị định 121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD có phân ra các loại sai phạm khác nhau để xử lý khác nhau, nhằm đảm bảo tính công bằng; bỏi vì, trong các công trình xây dựng sai phạm đó, có một số công trình là do sự quản lý nhà nước lỏng lẻo gây lên và đã để cho công trình xây dựng nhiều tầng, tồn tại mới bị phát hiện. Mặt khác, pháp luật xây dựng quy định cơ sở để cấp phép xây dựng là phải có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được công khai trước dân. Nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta không thực hiện được việc này, dẫn đến việc tùy tiện trong việc thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, chính vì lý do đó mà nhiều công trình xây dựng vượt tầng, sai giấy phép, nhưng chúng ta không phá dỡ được và vẫn tồn tại như mọi người biết.

2. Thứ hai: Nghị định 121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD kế thừa các quy định trước đây, khẳng định các vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đều phải phát hiện kịp thời, phạt tiền, cưỡng chế phá dỡ, tuy nhiên có bổ sung một quy định đó là: Đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt đã đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, công trình đó không vi phạm chỉ giới xây dựng, có chủ quyền về đất xây dựng hợp pháp, không tranh chấp, không có khiếu kiện thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Như vậy không phải tất cả công trình xậy dựng sai phép, không phép đều bị phạt tiền cho tồn tại; hiểu như vậy là không đúng với quy định của pháp luật.

3. Thứ ba: Một thực tế đặt ra mà chúng ta thấy, trong những lần ra quân “cắt ngọn” của thành phố Hà Nội thì mỗi lần cũng chỉ cắt được một số không đáng kể, gây bức xúc trong dư luận. Những chủ công trình được cắt ngọn xin được nộp tiền do sai phạm gây ra để được miễn cắt. Dư luận bức xúc vì lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân và thậm chí một số công trình nếu để tồn tại cũng không ảnh hưởng gì đến đô thị và môi trường xung quanh. Vấn đề thu tiền các sai phạm gây ra cũng đã được đặt ra, nhưng do pháp luật chưa có quy định nên các cấp chính quyền không có cơ sở thực hiện. Như vậy việc bổ sung quy định tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP là phù hợp với tính hình thực tế và phù hợp với lòng dân.


Chánh Thanh tra BXD Phạm Gia Yên cùng Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa trực tiếp thị sát bàn phương án tháo dỡ phần sai phép tại công trình số 55 Bà Triệu.

PV. Thưa Ông, Việc quy định thu 40%, 50% liệu có thấp quá không đủ sức dăn đe và tạo điều kiện cho các sai phạm phát triển?

TS. PGY. Tôi xin được nhắc lại là không có tạo điều kiện nào tại Nghị định và Thông tư này, mà các công trình tồn tại có điều kiện đã được nêu cụ thể ở Nghị định và Thông tư như Tôi đã nêu ở trên. Vấn đề thu cao, hay thấp Tôi không có ý định tranh luận, bởi vì trong quá trình soạn thảo những vấn đề này đã có tranh luận, có một số ý kiến cho rằng phải thu 100% hoặc vài trăm phần trăm đối với diện tích sai phép, không phép mới có tính dăn đe. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, tiếp xúc hàng trăm trường hợp người dân sai phạm và nghe nguyện vọng của họ thì chúng tôi đã lựa chọn phương án này đưa vào quy định. Trong quá trình thực hiện nếu đúng như việc xử lý này là thấp thì sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định và tiếp tục sửa đổi thông tư.

PV. Thưa Ông, hiện nay có một số người dân xây dựng trên đất nông nghiệp, đất 5% họ yêu cầu được đóng tiền phạt để tồn tại, vậy quan điểm của Ông như thế nào?

TS. PGY. Vấn đề này phải phân ra làm hai loại:

Loại thứ nhất: Hiện nay đất đang là nông nghiệp, nếu họ tự động xây dựng cần phải xử phạt nghiêm túc và cưỡng chế phá dỡ theo đúng quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD

Loại thứ hai: Có nhiều khu đất rộng hàng vài trục ha nguyên trước đây là đất nông nghiệp, đất 5% của các hộ dân thuộc các quận, huyện ngoại thành thành phố trước đây. Đất nằm ngoài đê sông hông… đã hình thành các khu dân cư và người dân tự xây dựng mà chính quyền các cấp không quản lý được, thì chính quyền các tỉnh, thành phố cần xác định rõ trong quy hoạch lâu dài nếu đó là khu dân cư thì phải cho dân chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất xây dựng, tiến hành quy hoạch xây dựng, xác định giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo đời sống sinh hoạt của nhân dân. Những trường hợp này có thể thu theo quy định 40% hoặc 50% như quy định để hợp thức giấy tờ cho nhân dân. Trường hợp khu vực đó là không thể xây dựng do nằm trong phạm vi dòng chảy, do nguy cơ của thiên tại địch họa thì cần sớm quy hoạch một khu vực khác để di chuyển dân đến đó sống ổn định. Tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp như hiện nay đang diễn ra khá phổ biến mà chính quyền không quản lý được, nếu thống kê đầy đủ thì có lẽ rất nhiều công trình sai phép xây dựng thuộc diện này, đây là trách nhiệm của chính quyền đã không làm hết trách nhiệm tạo ra cho người dân xây dựng không phép và sai phép.


Một công trình xây dựng sai phép tại Hà Nội

PV. Hiện nay có một số chung cư cao tầng Chủ đầu tư xây dựng vượt tầng và những căn hộ vượt tầng đó Chủ đầu tư đã bán cho nhân dân. Hiện nay họ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, vậy thì theo Ông sẽ xử lý như thế nào?

TS. PGY. Theo Tôi công trình đó phải được xem xét cụ thể, nếu đủ điều kiện được quy định tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD thì chính quyền thành phố thực hiện việc thu tiền 50% phần sai phép, đồng thời điều chỉnh quy hoạch, hoặc điều chỉnh giấy phép và sau đó Chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho nhân dân, tránh khiếu kiện phức tạp. Trường hợp không đủ điều kiện được quy định tại Khoản 9 Điều 13121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD thì buộc phá dỡ và Chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

PV. Xin cảm ơn Ông!

Kim Thoa (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.