Nếu phạt cho tồn tại thì bộ mặt đô thị sẽ rất khó hình dung. ảnh: pv
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định được phép nộp tiền thay cho cưỡng chế phá dỡ với nhà xây dựng sai phép có nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực.
Đùn đẩy trách nhiệm - dây dưa xử lý
Ông Trần Trọng Khang, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, có không ít trường hợp các công trình xây dựng không phép, sai phép không chỉ những trường hợp nhà ở riêng lẻ mà cả những cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng với quy mô lớn như số 9 Đào Duy Anh, tòa nhà số 4 Đặng Dung.
Tuy nhiên, việc xử lý các công trình sai phạm này rất khó khăn, thậm chí gây ra lãng phí. “Quy định trước đây những công trình xây dựng sai phạm đều phải bị cưỡng chế, tháo dỡ. Nhưng thực tế số công trình vi phạm xử lý theo quy định này là không được nhiều. Trong khi để xử lý một công trình vi phạm lại rất mất thời gian, mất tiền như việc lập các tổ ban ngành, các lực lượng tham gia xử lý, thuê đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ…”, ông Khang nói.
Theo ông Khang, về nguyên tắc các vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đều phải phát hiện kịp thời, phạt tiền, cưỡng chế phá dỡ, tuy nhiên nếu xử lý cứng nhắc sẽ gây nên sự lãng phí mà tính hiệu quả về mặt xã hội và pháp luật lại không cao.
Ông Nguyễn Thế Công - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, điều kiện tiên quyết để được nộp tiền cho công trình xây dựng trái phép tồn tại là công trình phải phù hợp quy hoạch. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp công trình xây dựng sai phạm nhưng cơ quan chức năng không thể tháo dỡ phần diện tích vi phạm xây dựng vì nhiều lý do.
“Từ thực tế cho thấy, vấn đề cốt lõi là phải có các tiêu chí về quy hoạch rõ ràng, công khai với người dân. Việc cấp giấy phép xây dựng hay việc hậu kiểm, xử lý vi phạm đều trên cơ sở quy hoạch”, ông Công nói.
Thụt lùi về quản lý
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, Thông tư 02 rất có thể sẽ tạo điều kiện tiếp tay, hợp lý hóa cho sai phạm.
Trị giá phần xây dựng sai phép, không phép nhà ở riêng lẻ được tính theo công thức gồm giá xây dựng cộng với giá đất (tính theo giá nhà nước ban hành để bồi thường giải phóng mặt bằng). “Thực tế giá bán nhà theo hợp đồng cũng không phản ánh được giá trị thực của căn nhà.
Tình trạng ghi giá tiền trong hợp đồng thấp hơn giá giao dịch thực tế để trốn thuế vẫn diễn ra. Nếu tiền phạt như vậy thì nhà nước đã hợp lý hóa sai phạm với cái giá quá rẻ mạt, nhất là làm một bộ phận người dân và doanh nghiệp nảy sinh tâm lý cứ có tiền là xong, ảnh hưởng xấu đến sự nghiêm minh của pháp luật”-một chuyên gia khẳng định.“Quy định cho phép nộp phạt để được tồn tại đối với công trình sai phép là một bước thụt lùi về quản lý”.
Ông Đào Ngọc Nghiêm
Với nhà riêng lẻ, Thông tư xác định mức phạt được tính bằng giá xây dựng cộng với giá đất. Tầng 1 tính bằng 100% giá tiền 1 m2 đất tại vị trí đó nhân với số mét vuông đất xây vi phạm; tầng 2 trở lên tính bằng 50% giá đất tầng 1 cộng với giá xây dựng.
Tuy nhiên, giá đất được xác định ở đây chỉ là giá đất áp dụng cho giải phóng mặt bằng theo khung giá UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì giá đền bù giải phóng mặt bằng thấp hơn rất nhiều giá giao dịch thực tế.
Ví dụ giá do UBND thành phố Hà Nội ban hành với vị trí mặt phố cao nhất chỉ 80 triệu đồng (phố Hàng Đào) nhưng thực tế giá thị trường có thể gấp 10 lần mức này.
Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định, việc Bộ Xây dựng ban hành quy định được nộp tiền để được tồn tại công trình xây dựng sai phép, trái phép là một bước thụt lùi về quản lý.
“Hiện nay hành lang pháp lý về quản lý xây dựng, quy hoạch đã khá đồng bộ. Không thể lấy lý do nhỏ để biện bạch cho hậu quả lớn”-ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Nghiêm, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị là kết quả nghiên cứu rất công phu và khoa học nhưng có nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi kiểu quản lý “cứ có tiền là xong”. “Chúng ta phải đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên. Sự yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay đang hết sức nhức nhối và trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng”-ông Nghiêm kiến nghị.