Việc phân loại đô thị theo KTS Trần Ngọc Chính sẽ tạo nên cơ hội để các địa phương cạnh tranh nhau, chính quyền đô thị phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chăm lo bộ máy quản lý tốt lên…

Nếu như ở bài viết “Chỉ Việt Nam mới có chuyện “chạy” loại đô thị kiểu như “chạy” chức…”, khi chia sẻ với PV Infonet về quan điểm của mình xung quanh dự thảo Nghị định phân loại đô thị đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã thẳng thắn nêu câu chuyện “chạy” loại đô thị chỉ có ở Việt Nam. Theo ông, cần làm rõ sau khi phân loại đô thị thì có ý nghĩa gì, đem lại lợi ích gì cho người dân? Nếu chỉ giải quyết khâu “oai” thì chẳng nên phân loại đô thị…

Dự thảo về Nghị định phân loại đô thị đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ..

Thì ở bài viết này, Infonet tiếp tục nhận được chia sẻ quan điểm khác của KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam.

Liên quan đến các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số để đạt được loại đô thị đặc biệt, và các loại đô thị 1, 2, 3, 4 và 5 tại dự thảo Nghị định đưa ra có thấp hơn quy định hiện hành, ông Chính cho rằng việc này để phù hợp hơn với thực tiễn.

Bởi lẽ, các đô thị khi nâng cấp lên đô thị thường thiếu về quy mô dân số. Khi quy mô dân số không đủ để lên đô thị loại 2, 3 hay 4… thường các địa phương mở rộng ranh giới đô thị ra, có thể lấy thêm một số xã, đơn vị dân cư vào để tăng thêm dân số cho đô thị đó. Với việc đó người ta phải mở rộng hệ thống hạ tầng cho phù hợp. Rõ ràng, cách mở rộng dân số theo kiểu đó thì chất lượng đô thị và quá trình đầu tư phát triển vào đô thị là có vấn đề.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, việc phân loại đô thị sẽ giúp cả người dân và chính quyền được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Chính, riêng với đô thị đặc biệt, tiêu chí đưa ra quy mô dân số từ 3 triệu dân trở lên là quá cao, khó có nhiều đô thị đạt được, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

“Thế nhưng, cũng có những đô thị rất đặc biệt về tính chất, vị thế tại sao không cho là đô thị đặc biệt như Hội An, Huế, Đà Lạt…? Nếu quy mô dân số từ 3 triệu trở lên thì các thành phố đó muốn trở thành đô thị đặc biệt dù có mất mấy chục năm nữa không biết có đạt được hay không? Như thế, đưa ra con số này là không phù hợp với thực tế ở Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu thêm về việc phân loại đô thị đặc biệt này”, ông Chính phân tích.

Còn với các tiêu chí phân loại các đô thị từ loại 1 đến loại 5 tại dự thảo Nghị định, theo ông Chính là có khoa học hơn, thực tiễn hơn.

Với việc phân loại đô thị, ông Chính cho rằng, Nghị định sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống đô thị, sẽ quản lý công tác hành chính trên toàn bộ các thị xã, thị trấn… Nếu quản lý tốt thì chất lượng đô thị từng bước được nâng lên và diện mạo đô thị sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, theo ông, khi đã thực hiện cần phải đi vào thực chất, bởi lâu nay mình không làm tốt việc này thì có những thị xã không bằng một thị trấn ở những nơi khác.

Cũng theo vị Chủ tịch Hội Quy hoạch, nếu nói phân loại đô thị không có lợi gì cho người dân là không đúng, bởi khi nâng loại đô thị thì chất lượng đô thị khác đi và người dân được hưởng thụ theo chất lượng đô thị đó.

“Có thể đất đai đắt lên, người dân được hưởng lợi cái này nhưng nhà đầu tư sẽ khó khăn cái kia… Song, rõ ràng, việc đầu tư vào hệ thống đô thị thì cả người dân và chính quyền đô thị đều được hưởng lợi, tạo nên chất lượng đô thị mỗi ngày tốt hơn. Khi lên đô thị thì giá trị về đất đai cũng khác đi, doanh thu trong từng khu vực đô thị cũng sẽ có sự thay đổi. Nếu làm hệ thống đô thị đúng với chất lượng thì người dân được hưởng lợi theo chất lượng đô thị và các đô thị cũng cạnh tranh nhau để làm tốt hơn xứng với thị xã hay thành phố… và cũng được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước”, ông Chính đánh giá.

Cũng theo ông Chính, mỗi quốc gia có cách để quản lý, phát triển đô thị riêng, nhưng cũng không có quốc gia nào phân cấp đô thị như Việt Nam. Khi mình nói đô thị loại 1, 2, 3, 4 hay 5 thì người ta cũng không hiểu. Nhưng trong quá trình đô thị hóa hiện nay ở Việt Nam thì việc phân loại đô thị cũng là tính khoa học để phù hợp với yêu cầu phát triển của chúng ta.

“Song, để đạt được loại đô thị như mong muốn thì việc một số địa phương “xin” các cơ quan chức năng chiếu cố sự thiếu hụt một vài tiêu chí không phải là không có bởi việc phân loại đô thị vẫn rất quan trọng, hữu ích với Việt Nam, tạo nên cơ hội để các địa phương cạnh tranh nhau, chính quyền đô thị luôn phải chăm lo vị thế của mình. Muốn vậy, các địa phương phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chăm lo bộ máy quản lý tốt lên để nâng cấp lên loại đô thị của mình”, ông Chính nói.

Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.