Trong đó, hành lang xanh giữ vai trò chủ đạo, chiếm tới 70% diện tích gồm hệ thống sông, hồ, khu vực đa dạng sinh học, làng truyền thống kết hợp bảo tồn di tích, di sản hiện hữu và giá trị văn hóa truyền thống vật thể - phi vật thể… nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hà Nội sau khi mở rộng ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại. Ảnh: Duy Tường |
Để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cùng các bộ, ngành liên quan đang lập quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái… Sau 1 năm kể từ khi quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 4 năm sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng theo Nghị quyết của Quốc hội (1-8-2008/1-8-2012), TP Hà Nội đã phê duyệt, công bố 3 quy hoạch phân khu đô thị đầu tiên (trong số 38 quy hoạch phân khu đô thị được xác lập theo kế hoạch triển khai quy hoạch chung) mang ký hiệu N5, N7 và N8. Cả 3 quy hoạch phân khu đô thị này đều nằm trên địa bàn huyện Đông Anh. Theo lý giải của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sở dĩ 3 quy hoạch phân khu đô thị này được phê duyệt đầu tiên là để tạo tiền đề, động lực cho huyện Đông Anh cũng như khu vực cửa ngõ phía bắc Thủ đô phát triển nhanh trong tương lai gần. Theo quy hoạch chung, đây sẽ là trung tâm đô thị mới Bắc sông Hồng, phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp, đầm Vân Trì, đồng thời hình thành khu thể thao mới, trung tâm triển lãm, thương mại và vui chơi giải trí của TP. Điểm đáng chú ý, cả 3 quy hoạch phân khu đô thị N5, N7, N8 có tuyến giao thông Nhật Tân - Nội Bài và QL5 kéo dài chạy qua, là trục chính tạo động lực phát triển của khu vực và TP Hà Nội nên các công trình quan trọng và cũng là điểm nhấn của các phân khu đô thị như trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ đô thị được bố trí dọc hai trục đường này.
Ngoài 3 quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt, UBND TP đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhiều phân khu, đô thị sinh thái khác. Huyện Quốc Oai được phát triển là đô thị sinh thái, văn hóa, lịch sử, phát triển sản xuất công nghệ cao và một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc, với định hướng là đô thị khoa học, công nghệ, đào tạo. Quy mô của huyện gồm 20 xã, 1 thị trấn, diện tích 14.700ha, dân số đến 2030 là 304.000 người. Trong đó, dự báo đất xây dựng đô thị là 3.400ha, gồm cả đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ngoài khu vực đô thị, Quốc Oai còn có khu vực hành lang xanh phát triển hoạt động du lịch, mô hình trang trại; khoanh vùng bảo vệ các làng nghề truyền thống, các vùng đa dạng sinh học, nông nghiệp năng suất cao... Đối với huyện Chương Mỹ, nhiệm vụ quy hoạch xác định hướng phát triển là dịch vụ đô thị, công nghiệp, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch, trang trại, nông nghiệp năng suất cao. Bên cạnh đó, Chương Mỹ sẽ phát triển các khu, cụm đại học tập trung nhằm hỗ trợ chương trình di dời các trường đại học từ nội đô ra ngoại thành. Huyện Chương Mỹ đến năm 2030 bao gồm 30 xã, 2 thị trấn, diện tích tự nhiên 232km2.
Nằm trong hành lang xanh của Hà Nội, huyện Ba Vì được định hướng phát triển du lịch, sản xuất trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Khu dân cư làng xóm cũ được xây dựng theo mô hình nông thôn mới. Điểm lưu ý là các thị trấn trung tâm sẽ dịch chuyển ra xa đường quốc lộ. Trong khi đó, huyện Sóc Sơn, một trong 5 đô thị vệ tinh được xác định quy mô dân số đến 2030 là 420.000 người (khu vực đô thị vệ tinh quy mô 250.000 người). Định hướng phát triển đô thị này là thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, nông nghiệp sinh thái. Đặc biệt, nơi đây sẽ là đầu mối giao thông của quốc gia, vùng và Thủ đô. Cùng với cụm Cổ Loa, đầm Vân Trì (Đông Anh), hồ Đồng Quan, núi Sóc sẽ trở thành hai cụm du lịch lịch sử, văn hóa quốc gia ở phía bắc. Cạnh Sóc Sơn, huyện Mê Linh sẽ là khu vực phát triển đô thị dịch vụ gắn với công nghiệp công nghệ cao, là vành đai xanh, nêm xanh của TP; là đô thị công nghiệp sạch đa ngành; tập trung các đầu mối giao thông, trung tâm thương mại, y tế cấp vùng.
Theo kế hoạch, trong năm 2012, TP hoàn thành 78 đồ án quy hoạch và 4 quy chế quản lý, gồm 5 đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh, 3 đồ án quy hoạch thị trấn sinh thái, 10 đồ án quy hoạch huyện lỵ, thị xã; 34 đồ án quy hoạch phân khu đô thị…Về quy hoạch chi tiết, TP hoàn thành 3 đồ án thuộc đô thị trung tâm, 5 đồ án quy hoạch hai bên tuyến đường, 4 đồ án quy hoạch đặc thù cùng với việc hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, thương mại, công nghiệp. Cùng với nghiên cứu, phê duyệt quy hoạch, TP sẽ từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ các khu đô thị tại huyện Mê Linh, Đông Anh, trước mắt trên cơ sở kết quả rà soát đồ án, dự án đầu tư sẽ tập trung 75 đồ án, dự án phù hợp quy hoạch phân khu hoặc định hướng quy hoạch đã được phê duyệt mà không phải điều chỉnh. Đây là khối lượng công việc đồ sộ, đang được TP triển khai gấp rút để làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư, đưa TP tiến nhanh, bền vững như kỳ vọng của cả nước khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng.
-
Phó thủ tướng: Nhiều đồ án quy hoạch phải làm đi làm lại, mất thời gian
Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 4/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo bổ sung về thực trạng và những khó khăn khiến nhiều quy hoạch chậm được xây dựng, phê duyệt và triển khai.
-
Có tình trạng điều chỉnh quy hoạch do áp lực từ nhà đầu tư
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ do mong muốn thu hút đầu tư hoặc do áp lực từ nhà đầu tư....
-
Quy hoạch phát triển cảng hàng không 2021 – 2030: Đầu tư thêm 6 sân bay mới
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn số 3960/CHK-QLC gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050....