30/05/2013 7:40 AM
Đề xuất chỉ cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp vướng quy hoạch khi khu đất đã có sẵn nhà, không cho xây tràn lan trên đất lúa, đất trồng cây.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng phải hoàn chỉnh tờ trình về cấp phép xây dựng theo quan điểm đất nông nghiệp bị vướng quy hoạch sẽ được cấp phép xây dựng tạm. Nhiều ý kiến đánh giá chủ trương này đáp ứng quyền lợi và nhu cầu của người dân nhưng khi triển khai trên thực tế sẽ gặp một số vướng mắc về pháp lý.

Không thể xây tràn lan

“Việc cấp phép xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp vướng quy hoạch không có cơ sở pháp lý vì luật quy định đất phải sử dụng đúng mục đích. Trong tờ trình trước đó, Sở đã nói rõ điểm này. Nay Sở sẽ soạn lại tờ trình mới theo chỉ đạo của TP” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết.

Ông Tuyến cho hay trong tờ trình sẽ có các quy định về điều kiện kèm theo khi cho phép đất nông nghiệp vướng quy hoạch được xây dựng tạm. Chẳng hạn, “về quy mô công trình, nếu cho phép xây hẳn ba tầng thì rất nguy. Ngoài ra, chỉ cho xây khi đất đã có sẵn nhà, không thể cho xây tràn lan trên đất lúa, đất trồng cây trước nay không có nhà ở”. Tuy vậy, ông Tuyến cho rằng thực tế sẽ phát sinh nhiều vướng mắc phức tạp, ví dụ điều kiện “đã sử dụng lâu dài” được hiểu như thế nào? Phải có mốc thời gian cụ thể chứ không thể quy định chung chung.

Ông Tuyến cho rằng cách hay nhất là phải có kế hoạch sử dụng đất cho khu vực có quy hoạch treo. “Chẳng hạn, địa phương xác định trong 10 năm nữa mới thực hiện công viên thì trong giai đoạn này cho phép đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích nào đó. Từ đó, cơ quan cấp phép xây dựng có cơ sở để giải quyết” - ông góp ý.

Gia đình anh Ngô Thanh Tùng, đường Nguyễn Văn Linh, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hơn 10 năm qua sống trong căn nhà tồi tàn do nằm trên đất nông nghiệp đã quy hoạch. Thông tin có thể được xây dựng tạm khiến anh rất vui mừng. Ảnh: V.HOA

Lo lắng về hạ tầng

Ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng chủ trương sẽ gỡ được một phần bức bối của người dân. Bởi lâu nay hễ bị quy hoạch treo là người dân “chết cứng”, đất nông nghiệp không trồng trọt được mà cũng không thể chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.

“Đất này theo quy hoạch cũng không còn là đất nông nghiệp nữa (chuyển sang đất phi nông nghiệp làm công viên, khu đô thị mới…) nên không nhất thiết phải giữ nguyên hiện trạng. Thay vào đó có thể cho phép sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất” - ông Nhựt nói.

Theo ông Nhựt, không nên quy định điều kiện loại đất nông nghiệp nào được cấp phép làm nhà ở. Tuy nhiên, phải loại trừ hai loại đất đặc biệt là đất lúa và đất rừng vì liên quan đến an ninh lương thực và môi trường sống. Ông Nhựt cũng góp ý nên dựa vào đối tượng đang sử dụng đất nông nghiệp để giải quyết cấp phép, “chẳng hạn phải là người trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, có nhu cầu về nhà ở để cho con ra riêng…”.

Điều khiến ông Nhựt lo lắng nhất là hạ tầng khu đất nông nghiệp khi xây nhà ở. Bởi dân số tăng sẽ dẫn đến áp lực về hạ tầng như trường học, điện nước, giao thông, thoát nước… Trong khi đó, những khu vực đất nông nghiệp bị quy hoạch lâu nay vốn rất thiếu thốn các điều kiện này nên không chỉ người dân mà bộ mặt đô thị cũng bị ảnh hưởng.

Không để mất đất công trình công cộng

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, nhấn mạnh cho xây nhà tạm chỉ là một giải pháp trước mắt chứ không phải tối ưu. “Nếu mất đất làm các dự án khác thì còn đỡ chứ mất đất dự án cho công viên hay công trình công cộng là rất nghiêm trọng” - ông lưu ý.

Ông Cương cũng cho rằng cần xem xét thận trọng nhu cầu thật sự về nhà ở. Phải xác định người sử dụng đất là ai, người có nhu cầu nhà ở là ai để tránh tình trạng đầu nậu lợi dụng chính sách mua đất xây nhà bán lại kiếm lời. Chứ một khi đã hình thành khu dân cư đông đúc thì rất dễ dẫn đến tình cảnh Nhà nước buộc phải điều chỉnh quy hoạch từ dự án sang đất dân cư vì không thể đập hàng trăm ngôi nhà.

Theo TS Cương, Nhà nước nên khoanh vùng khu vực nào có thể làm khu dân cư, sau đó xóa hẳn quy hoạch để người dân được quyền cấp giấy chứng nhận và giấy phép xây dựng chính thức. “Ví dụ, dự án Bình Quới Thanh Đa quá lớn, không biết khi nào làm nổi thì TP có thể quy hoạch giữ lại những mảng xanh, công trình công cộng, còn những khu quy hoạch đất dân cư thì cứ để cho dân xây dựng” - ông nêu ví dụ.

Đã không ít lần TP phải nhân nhượng những khu vực đất nông nghiệp có nhiều nhà xây dựng trái phép. Vừa qua, hơn 1.000 căn tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn được tồn tại. Kế đó, 80 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại dự án Hoàng Hải, huyện Hóc Môn cũng được tạm tồn tại chờ điều chỉnh quy hoạch.

Gia đình tôi cư ngụ trên mảnh đất hơn 18.000 m2 từ những năm 1970. Trong đó, diện tích đất ở chỉ khoảng 280 m2. Tôi có bốn người con đều đã lập gia đình. Đất đai nhiều nhưng muốn cắt đất cho con xây nhà cũng không được, bán để lấy tiền cho nó mua nhà cũng không xong.

Khi nghe thông tin rất có thể sắp tới được xây tạm nhà trên đất nông nghiệp vướng quy hoạch, tôi rất phấn khởi. Tôi chỉ cần được xây nhà để con cái có chỗ ở và cam kết sẽ không đòi bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.

Ông HUỲNH VĂN VÔ, hẻm 480 Bình Quới, khu phố 3, phường 28, quận Bình Thạnh

Tại xã Bình Hưng, nhu cầu sửa chữa nhà ở của người dân rất cao, mỗi tháng có khoảng 30 trường hợp. Riêng việc xây mới thì UBND xã giải thích để người dân hiểu là không được phép xây dựng do đất nông nghiệp đã được quy hoạch.

Thông tin người dân có thể được xây nhà tạm trên đất nông nghiệp vướng quy hoạch là rất phấn khởi. Tuy nhiên, không nên cấp phép tràn lan mà chỉ những khu dân cư hiện hữu mới cho xây dựng tạm. Còn những khu vực khác (như đất trồng lúa, đất rừng…) thì phải kiên quyết giữ lại.

Ông NGUYỄN HỮU THÀNH TÂM, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh

Việt Hoa - Cẩm Tú (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.