02/08/2011 1:02 AM
Do nằm trong khu quy hoạch nên hàng trăm hộ dân phường Tân Phú, quận 9-TPHCM phải sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề
Từ Khu Công nghệ cao nhìn sang, người đi đường dễ lầm tưởng khu vực rậm rạp cây cối nằm cạnh bên là rừng nhưng đó lại là nơi sinh sống của gần 600 hộ dân thuộc phường Tân Phú, quận 9 - TPHCM. Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề: không truyền hình cáp, internet, không nước máy, đường sá lầy lội, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng…

Đường 207 nằm trong khu phố 5, phường Tân Phú, quận 9- TPHCM ngập nặng mỗi khi mưa lớn

Hoang tàn, ô nhiễm

Từ đường Nam Cao đi vào là những ngôi nhà xập xệ thuộc tổ 2, khu phố 5, phường Tân Phú. Nhà dân ở lẫn với những ngôi nhà hoang, từ nhiều năm nay không được sửa sang, xây mới. Vào sâu hơn, nhà cửa người dân có khang trang nhưng nước ngập liên miên vào mùa mưa. Đường 207 lầy lội, phân súc vật, rác rưởi tràn lan. Những ngày này, người dân phải lội bì bõm như đi trên đầm lầy. “Trước đây, nhà tôi xây bậc tam cấp, mưa lớn cỡ nào cũng không vào đến nhà. Thời gian gần đây, hễ có mưa lớn là nhà ngập lưng chừng” - ông Trần Văn Thành, ngụ tổ 3, phàn nàn. Vào sâu trong tổ 2, cây cối rậm rạp, âm u. Những ngôi nhà cũ nát nằm lưa thưa, vài ao nuôi cá trước đây bỏ cạn. Đất bỏ hoang để cỏ mọc um. Ông Trần Văn Giêng, trưởng khu phố 5, cho biết: “Trước đây, người dân có trồng lúa, hoa màu. Từ khi nghe có quy hoạch, nhiều gia đình bỏ trồng lúa chuyển sang trồng cây lâu năm để chờ đền bù giá cao hơn hoặc bỏ hoang”. Theo ông Trần Công Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú, do khu vực này nằm trong diện quy hoạch nên không thể sửa chữa đường sá. Nếu có đầu tư làm đường, cầu cống chỉ lãng phí của công !?

Hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực này còn phải chịu đựng cảnh ô nhiễm triền miên bắt nguồn từ con kênh chảy qua khu phố 5. Bà Nguyễn Thị Te (73 tuổi, ngụ tổ 1) cho biết con kênh này trước đây có tên là Suối Tiên, nước trong. Nhiều năm trở lại đây, nước lại đen ngòm, chảy sền sệt, mùi phân sống, rác rưởi, mùi xác động vật hôi thối khiến người dân chịu không nổi. Đi dọc con kênh này, chúng tôi ghi nhận hai bên bờ từng ổ muỗi đặc kín. Giáp ranh với dòng kênh là Khu Du lịch Suối Tiên, dày đặc những cống thoát nước nhỏ, lớn, có cả bệ đứng dành cho người làm nhiệm vụ tháo cống xả nước. Nằm không xa là những cống thải phân heo của trại heo tư nhân, bốc mùi thối nồng nặc.

Đi chẳng nỡ, ở không xong!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng trăm hộ dân phường Tân Phú nằm trong vùng quy hoạch dự án mở rộng khu Lâm trại Suối Tiên. Đến nay mới có khoảng 1/3 số hộ giao đất, số còn lại cố cầm cự sống trong điều kiện thiếu thốn vì cho rằng giá đất đền bù thấp. Nhiều người dân còn băn khoăn, cho rằng đây là dự án của công ty tư nhân nên phải có sự thương lượng giữa hai bên để đưa ra giá đền bù hợp lý…

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Trần Tiễn, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, cho biết việc thu hồi đất ở khu phố 5, phường Tân Phú là thực hiện theo quyết định (số 1028) của UBND TP ngày 21-3-2003. Theo đó, TP thu hồi 482.847 m2 đất ở phường Tân Phú để giao cho Công ty TNHH Lâm sản Mỹ nghệ Suối Tiên thuê trong 50 năm nhằm mở rộng khu vui chơi cho người dân. Do đó, đây là dự án của Nhà nước, không phải của tư nhân. Về giá đất bồi thường được quy định trong văn bản số 6808 ra ngày 24-10-2005 của UBND TP. “Còn về chính sách tái định cư, các hộ dân bị di dời sẽ được bảo đảm nơi ăn ở. Hiện nay, khu tái định cư 8 ha đang hoàn thành, chúng tôi sẽ công bố mức giá tại đây. Đồng thời, chủ đầu tư cũng sẽ cam kết với dân hỗ trợ công ăn việc làm cho con em họ nếu đáp ứng được công việc tại công ty”- ông Tiễn cho biết.


Ô nhiễm là do nước thải các hộ dân!

Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 9, cho biết tình trạng ô nhiễm kênh Suối Tiên chủ yếu là do nước thải từ những hộ dân nuôi heo. Từ năm 2007 đến nay, quận đã kiểm tra, xử phạt, cưỡng chế di dời được 37 hộ dân, hiện còn 23 hộ nằm trong khu quy hoạch cũng sẽ bị di dời khi giải phóng mặt bằng dự án. “Còn việc nước thải Khu Du lịch Suối Tiên có gây ô nhiễm hay không, đến giờ này chúng tôi chưa phát hiện”- bà Hoài nói.
Theo Ngọc Tuệ (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.