Trong vụ một chung cư tại “đảo Kim Cương” thuộc phường Bình Trưng Tây, quận 2 (TP.HCM) tự thay đổi vài nội dung khác với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt (như tăng thêm một tầng lửng và một tầng kỹ thuật; điều chỉnh chiều cao các tầng…), Pháp Luật TP.HCM ngày 12-4 có thông tin về đề nghị liên quan của Bộ Xây dựng. Bộ này lưu ý: “Để giữ vững sự nghiêm minh của pháp luật về xây dựng, UBND TP.HCM cần xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư”. Thoạt nghe dư luận cứ tưởng có sự kiên quyết, nghiêm minh trong cách xử lý của Bộ trước sai phạm “thường ngày ở huyện” của một trong nhiều chủ đầu tư. Nhưng rồi mọi người cảm thấy hẫng khi đằng sau chỉ đạo rất “đanh thép” ấy là lời “bỏ nhỏ” cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng, hoàn thiện công trình và “giao cơ quan nhà nước có chức năng tại địa phương hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh dự án” (!). Có thể nói quyết định này đang gây thất vọng dư luận và “làm khó” UBND TP.HCM.
Công trình trên thuộc dự án khu dân cư phức hợp với
tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng được khởi công triển khai từ cuối năm
2009. Mãi đến ngày 21-2-2011, công trình mới “được” phát hiện xây dựng
sai phép và bị Thanh tra Sở Xây dựng buộc ngừng thi công. Thế nhưng sau
đó công trình… vẫn thi công bình thường! Việc “khinh suất” quyết định
của cơ quan chức năng bên cạnh việc chậm trễ phát hiện sai phạm với lý
do “địa bàn quận khá rộng nhưng lực lượng TTXD phường khá mỏng; thời
điểm cận tết Nguyên đán nên lực lượng TTXD phường, quận lo tập trung
kiểm tra một số công trình khác” đã khiến số đông bức xúc, nhất là đối
với nhiều chủ đầu tư từng bị “tuýt còi” sai phạm nhưng nghiêm chỉnh tuân
thủ quyết định của cơ quan chức năng.
Còn nhớ khi sai phạm được phát hiện, Sở Xây dựng đã
có quan điểm cứng rắn: “Kiên quyết xử lý để giữ tôn nghiêm pháp luật,
không cho tồn tại với bất kỳ lý do nào trừ khi chủ đầu tư chứng minh
việc xây lố là lý do bất khả kháng nên không thể làm khác” ( Pháp Luật TP.HCM ngày 1-3). Bấy giờ “trần tình” trước báo chí, chủ đầu tư hứa sẽ “thực
hiện theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền”. Bên cạnh các giải thích không thuyết phục (như sai phạm phát
sinh từ chỗ chủ đầu tư mong muốn làm cho… kiến trúc công trình đẹp hơn),
chủ đầu tư cũng có động thái được dư luận cho là “đi trước một bước”
khi mau mắn “gặp” Bộ Xây dựng xin điều chỉnh thiết kế cơ sở. Mục đích
của động thái này là muốn hợp thức hóa sai phạm và nay việc hợp thức hóa
đó có vẻ như sắp thành hiện thực với đề nghị nói trên của Bộ.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Khi tình trạng xây dựng sai phép và không phép xảy ra tràn lan ở nhiều địa phương và lãnh đạo TP.HCM đang tỏ ra rất kiên quyết để pháp luật không bị lờn thuốc trị, tại sao Bộ Xây dựng - cơ quan “tối cao” quản lý nhà nước về xây dựng - lại đòi tha bổng? Có lý do riêng tư nào mà lần này Bộ lại hành xử sai pháp luật thông qua việc đi bênh cho một công trình “nhà giàu” làm sai pháp luật?