Trong những cây cầu được bổ sung thêm từ đồ án Quy hoạch chung thủ đô tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050 mà Bộ Xây dựng vùa trình Chính phủ, hầu như chỉ có hầm chui qua sông Hồng ở đoạn nối đường Trần Hưng Đạo với quận Long Biên vẫn còn những ý kiến băn khoăn.

Hà Nội định hướng phát triển ở hai bên sông Hồng

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 108 (quy hoạch 108) về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Theo đó, Hà Nội được định hướng phát triển ở hai bên bờ sông Hồng và một loạt cầu đã được phê duyệt để nối hai bờ sông.



Để nối hai bờ sông Hồng qua lõi đô thị Hà Nội, cầu Chương Dương đã quá tải trầm trọng, nên việc thêm hầm (hay cầu) ở gần đây là điều phải làm. Ảnh: Tiến Dũng

Còn theo đồ án đang trình Chính phủ thì định hướng phát triển vẫn giữ nguyên và bổ sung thêm 2 cầu mới để nối liền vành đai 4 và hầm chui Trần Hưng Đạo (nối đường Trần Hưng Đạo với quận Long Biên) được làm nhiệm vụ nối hai bờ của vùng lõi đô thị Hà Nội. Như vậy, so với các cầu hiện có (Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì), thì đến năm 2030 sẽ có thêm 8 cầu mới và một hầm chui (trong đó 5 cầu đã được phê duyệt theo quy hoạch 108).

Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Vinh cho biết, theo quy hoạch đang trình Chính phủ, đến năm 2030, thành phố trung tâm (nằm trong giới hạn đường vành đai 4) sẽ có khoảng 4,5 triệu người (đô thị phía bắc có khoảng 2 triệu và phía nam khoảng 2,5 triệu người). Trong đó, các cầu Vĩnh Tuy (nối tuyến vành đai 2), cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì (nối tuyến vành đai 3). Còn để kết nối tuyến đường vành đai 4, dự án đã đưa thêm vào các cầu Hồng Hà (nối Đan Phượng với Mê Linh), cầu Mễ Sở (nối Thường Tín với Hưng Yên).

Với vùng lõi đô thị (nằm trong đường vành đai 2) hai bên bờ được nối với nhau hiện chỉ có duy nhất cầu Chương Dương (cầu Long Biên hầu như chỉ giải quyết cho đường sắt), nên hiện tại nó đã quá tải nặng nề. Để giải quyết vấn đề này, hiện cầu Nhật Tân (nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh) đang được triển khai GPMB; cạnh đó, cầu Tứ Liên (nối Tây Hồ với huyện Đông Anh) cũng đang được tiến hành khảo sát.

Điểm mới nhất của đồ án này về cầu giải quyết giao thông giữa tả hữu sông Hồng cho vùng đô thị lõi, nhóm tư vấn đề xuất thêm một hầm đường bộ nối từ đường Trần Hưng Đạo sang quận Long Biên (dự kiến dài khoảng 2,5km, 4 làn xe, rộng khoảng 18 - 20m). Đây là hầm nằm giữa hai cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy (khoảng cách giữa hai cầu khoảng 2km). Về vấn đề này, đa số ý kiến ở một số cuộc hội thảo gần đây đều nhất trí cần có một cây cầu tại vị trí này, nhưng nên làm hầm chui hay cầu thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Hầm chui hay cầu?

Trong một số cuộc hội thảo gần đây do TP.Hà Nội tổ chức, có ý kiến cho rằng, đặt hầm nằm ở đường Trần Hưng Đạo thì tổ chức giao thông cực kỳ khó. Với câu hỏi này, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Vinh cho rằng, đường Trần Hưng Đạo có mặt cắt thuộc diện rộng nhất ở đây và nó có nhiều phố cắt qua tạo thế ô bàn cờ nên giải tỏa được giao thông tốt. Do đó không đáng ngại về việc tổ chức giao thông.

Nói về phương án làm hầm qua sông Hồng, ông Lê Vinh thừa nhận là giá thành làm hầm sẽ cao hơn so với làm cầu, nhưng nó có một số ưu điểm: Giải phóng mặt bằng sẽ ít hơn so với làm hầm; làm cầu sẽ ảnh hưởng đến việc thoát lũ, còn hầm thì không; làm hầm không ảnh hưởng đến tĩnh không của sân bay Gia Lâm, vì đây là hướng lên xuống chính của máy bay. Mà sân bay này vẫn đang được dùng cho mục đích quân sự, đồng thời còn là nơi để tổ chức cứu hộ, cứu nạn...

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, theo khảo sát sơ bộ (để đưa ra hướng chọn hầm hay cầu) thì giá thành giữa hầm và cầu lệch nhau là mấy lần (có ý kiến cho rằng làm hầm cao gấp 4 lần), di dân để giải phóng mặt bằng để làm cầu thì nhiều hơn mức độ nào so với làm hầm...; về vấn đề này, ông Lê Vinh cho rằng: “Đây mới là định hướng của quy hoạch, do đó, chúng tôi cũng chưa khảo sát để ước tính được những con số đó lệch nhau như thế nào”.

Và có lẽ, chính vì vậy Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình trong cuộc họp ngày 25.2.2011 của thường trực UBND TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng: Cần đưa ra các minh chứng thuyết phục hơn về việc vì sao xây dựng hầm đường bộ và phân tích kỹ hiệu quả giữa xây dựng hầm đường bộ và cầu nối khác nhau ở chỗ nào?

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland