Có nhiều kịch bản quy hoạch cho vùng Thủ đô đã được đưa ra tại hội thảo “Hiện trạng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội” được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) tổ chức sáng 28/11 tại Hà Nội.

Quy hoạch vùng Thủ đô, Hà Nội sẽ là thành phố siêu lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Đường sắt cao tốc sẽ kết nối vùng

Viện Quy hoạch phát triển đô thị vùng (IAU) – Ile de France (Pháp), đơn vị được Bộ Xây dựng chọn làm tư vấn nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đưa ra 2 ý tưởng quy hoạch dựa trên 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội đến năm 2030. Kịch bản một, nếu tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình, vùng Thủ đô được phát triển theo hướng Thủ đô tập trung và đa cực. Khi đó, trục tam giác kinh tế của vùng sẽ là Hà Nội - Hải Dương - Vĩnh Phúc, trong đó Hà Nội vẫn đóng vai trò quan trọng và có nhiệm vụ phát triển dịch vụ đô thị thay thế dịch vụ nông thôn. Trong kịch bản này, cần cân nhắc hành lang để không bị đô thị hóa, như đối với các vùng thuộc Hà Tây (cũ), nên chuyển dịch thành khu nông nghiệp và làng nghề truyền thống để phát triển du lịch bền vững, bảo vệ nông thôn để không bị đô thị hóa. Và để kết nối, cần phát triển đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội - Bắc Ninh.

Kịch bản thứ hai là kinh tế tăng trưởng cao, dân số vùng năm 2030 là 21,5 triệu người, thì Hà Nội là trung tâm lõi và kết nối với nhiều địa phương, tích hợp thành đô thị đa cực. Giao thông kết nối là hệ thống đường sắt cao tốc trên mặt đất và tàu điện ngầm nội đô, đường cao tốc, nhất là với ga Yên Viên, Bắc Ninh, Hải Dương… IAU đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc từ Hà Nội đi Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh và 3 đầu mối trung chuyển tại Ngọc Hồi, Bắc Hồng và Gia Lâm. Và cấu trúc mạng lưới giao thông vùng Thủ đô hạn chế tối đa giao thông quá cảnh xuyên qua trung tâm TP Hà Nội.

Đóng góp vào quy hoạch vùng Thủ đô, Ts. Trần Trọng Hanh, Hội Kiến trúc Việt Nam cũng đưa ra 3 ý tưởng quy hoạch theo các mô hình: Mô hình “bàn tay xòe” với 8 thành phố trung tâm; mô hình “phi tập trung và cân bằng sinh thái” với Thủ đô Hà Nội là trung tâm và các cụm đô thị láng giềng với “xương sống” tăng trưởng là Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh; và mô hình thứ ba có định hướng chủ đạo là tạo phát triển phía Bắc Hà Nội.

Khắc phục bất cập của quy hoạch cũ

Theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, đến năm 2050, vùng Thủ đô sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của đất nước. Phạm vi nghiên cứu gồm Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Khu vực này có diện tích tự nhiên là 24.314,7km2, bằng 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc, nhằm xây dựng vùng đô thị tương xứng với các vùng đô thị quốc tế.

Việc điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô là cần thiết, giúp tạo sự phát triển tương đồng với thế giới, bởi việc thực hiện quy hoạch hiện đang phát sinh những bất cập. Điển hình là, trong vùng Thủ đô vẫn có nhiều dự án không tuân theo quy hoạch và mang tính cạnh tranh giữa các địa phương với nhau, như tình trạng khu công nghiệp, đô thị lớn, khu đại học tập trung nhiều ở các cửa ngõ vào Hà Nội và tỉnh nào cũng dành quỹ đất lớn cho phát triển đô thị. Trong khi đó, nhiều công trình hạ tầng liên vùng như dự án nghĩa trang và xử lý rác thải cũng không theo quy hoạch; giữa các địa phương và ngành không có sự gắn kết trong việc thực hiện các dự án liên tỉnh như bảo vệ nguồn nước, quản lý môi trường…

"Dự án điều chỉnh quy hoạch vùng đặt ra nhiệm vụ tăng cường tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng để cùng phát triển tiến tới thành vùng quốc tế. Hội thảo này nhằm mục đích chia sẻ thông tin ban đầu và ý tưởng nền tảng cấu trúc điều chỉnh quy hoạch từ các chuyên gia, nhằm tìm phương án tốt nhất cho quy hoạch vùng Thủ đô”.

Ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn

Thanh Lộc (Giao thông vận tải)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.