Một khu căn hộ trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM về đêm.
Trong hội thảo mới đây được tổ chức tại hội chợ Vietbuild, bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đã nói rằng thị trường bất động sản TP.HCM không hoàn toàn bị đóng băng mà vẫn có giao dịch. Thậm chí, theo bà Loan, phân khúc căn hộ cao cấp vẫn có những điểm sáng. “Đi qua đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh lúc về đêm, những căn hộ vẫn lung linh ánh đèn, chứ không đến nỗi u ám”, bà nói.
Quan sát của bà Loan không hề sai. Tuy nhiên, nếu chịu khó đi thêm một đoạn nữa, cụ thể là đứng ngay trên cầu Sài Gòn và nhìn về phía quận 2, một trong những khu vực có nhiều dự án căn hộ cao cấp, sẽ thấy một thực tế phũ phàng hơn. Rất nhiều dự án được hoàn thành một cách đẹp đẽ nhưng vẫn tối đen khi đêm về.
Có thể kể đến dự án The Vista do CapitaLand (Singapore) làm chủ đầu tư. Theo thông tin từ chủ đầu tư, đến nay, phần lớn trong tổng số 750 căn hộ đã được bán hết. Thế nhưng, đêm về đi ngang qua dự án này, chỉ thấy chưa đầy 30 căn hộ sáng đèn. Còn nhớ, năm 2008, The Vista là một trong những dự án có sức hút mạnh trên thị trường. Vào thời điểm mở bán nhiều người phải thức cả đêm để đứng giữ chỗ chờ mua dự án.
Bên kia xa lộ Hà Nội, đối diện với The Vista, 2 dự án căn hộ cao cấp khác cũng trong tình trạng tương tự là Imperia và Estella. Chẳng hạn, dự án Estella do Keppel Land (Singapore) làm chủ đầu tư cũng đã bàn giao nhà trong tháng 8.2012. Theo công bố của công ty này, hiện chỉ còn 10% trong tổng số 719 căn hộ là chưa bán được. Tuy nhiên, khi đêm về, chỉ khoảng 10 căn hộ có ánh đèn hắt ra từ cửa sổ.
Đi xa hơn một chút vào khu vực Thảo Điền, quận 2, dự án Xi Riverview Palace do GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư cũng không khá hơn. Được bàn giao từ cuối năm ngoái, nhưng chỉ chưa đầy 1/3 trong tổng 270 căn hộ của dự án này sáng đèn. Ở gần cầu Sài Gòn, dự án Hoàng Anh River View, do Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư, đã được bàn giao nhà từ năm 2010. Nhiều người khi đi qua cầu Sài Gòn vẫn nghĩ rằng những căn hộ ở đây đều đã có chủ khi đèn sáng lấp lánh chẳng thua gì dự án Saigon Pearl. Tuy nhiên, mới đây khi các nhà đầu tư thứ cấp rao bán gần 200 căn hộ thì họ mới vỡ lẽ số căn hộ bỏ trống ở Hoàng Anh River View là không hề nhỏ.
Tỉ lệ căn hộ có người ở tại khu vực phía Nam cũng không khá hơn so với quận 2. Nếu đứng trên cầu Kênh Tẻ vào buổi tối, có thể thấy một dãy căn hộ chạy dọc suốt con đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 7 qua huyện Nhà Bè chỉ lác đác vài ánh đèn.
Câu chuyện của chị Hoàng Thanh Hà, chủ một căn hộ ở lầu 12 dự án The Vista, có thể lý giải vì sao căn hộ đã xây xong nhưng lại không có người ở. Năm 2008, trong cơn sốt đầu tư bất động sản, chị đã mua căn hộ này để đầu tư nhưng sau đó, thị trường khó khăn kéo dài, nên chị không bán được. Hiện nay, chị đang rao cho thuê 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa có người thuê.
Những hình ảnh trên nói lên điều gì? Một thị trường bất động sản đầy tính chất ảo và tính đầu cơ cao. Nếu như trước đây, các nhà nghiên cứu hay chuyên gia kinh tế thường chỉ có thể phán đoán về tỉ lệ nhu cầu mua nhà ở thực so với đầu tư thì hiện nay chỉ cần nhìn vào những dự án căn hộ đã xây xong lúc về đêm là có thể đưa ra tỉ lệ này một cách khá chính xác.
Nhu cầu nhà ở tại Việt Nam hiện rất lớn, khi hàng triệu người vẫn chưa có nhà. Trong khi đó, phần lớn căn hộ ở các dự án này, theo các chủ đầu tư, đều có người mua và nhà đã bàn giao nhưng lại bỏ hoang. Đây rõ ràng là sự lãng phí rất lớn về nguồn lực kinh tế.
Tại buổi hội thảo “Giải pháp - cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng” tổ chức vào ngày 12.9 tại Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết Hà Nội hiện còn tồn 40.000 căn hộ, TP.HCM là 20.000 căn hộ, cộng cả 2 thành phố lớn sẽ là 60.000 căn hộ.
“Số căn hộ trên nhân với giá khoảng 1 tỉ đồng/căn thì có 60.000 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD, đang nằm chết”, ông tính toán.
Những con số mà ông Ánh đang nhẩm tính chỉ là những căn hộ chưa bán được. Nếu tính luôn cả số căn đã có người mua rồi bỏ hoang thì sự lãng phí chắc không dừng lại ở con số 3 tỉ USD.