Nhiều chuyên gia xây dựng cảnh báo, nếu di dời ồ ạt Bộ ngành ra ngoài sẽ gây lãng phí và làm xấu quy hoạch Thủ đô...

Theo thông tin Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sẽ có 19 Bộ, ngành được xây dựng trụ sở mới tại khu vực Mễ Trì hoặc phía Tây Hồ Tây. Trong số đó, 8 Bộ đã, đang di dời sang phần đất mới và 11 Bộ được các cấp thẩm quyền chấp nhận. Việc di dời các Bộ, ngành để phù hợp quy hoạch phát triển thủ đô là điều tất yếu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có những tính toán kỹ hơn trong vấn đề này. Việc ồ ạt di dời một lúc hàng chục Bộ như thế sẽ nảy sinh ra nhiều bất cập như nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng trụ sở mới. Hơn nữa, hàng chục nghìn nhân viên phải thay đổi nơi làm việc...

Một Bộ đã khang trang với trụ sở mới nhưng vẫn không từ bỏ đất vàng ở trung tâm thành phố

Các Bộ "chê"đất hẹp

Cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ Xây dựng vừa có buổi làm việc với các Bộ, ngành về việc trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Trung ương và các đoàn thể tại Hà Nội ra ngoại thành và tầm nhìn quy hoạch chiến lược đến năm 2030. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Đình Toàn, thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đã có 8 bộ, ngành đang di chuyển sang trụ sở mới, 11 Bộ, ngành đã được cấp thẩm quyền cho phép di dời và sẽ thực hiện trong thời gian tới đây. Cũng trong buổi làm việc đó, đại diện Sở QH - KT Hà Nội cho biết, đã dành hai khu đất để xây dựng trụ sở mới của các Bộ là khu vực trung tâm Tây Hồ Tây và khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia ở Mễ Trì.

Theo dự thảo, hai khu vực này đều nằm trên tuyến đường giao thông thuận tiện gồm đường vành đai 3, các tuyến đường sắt đô thị, tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô. Mặc dù háo hức với việc được "về nhà mới" nhưng đại diện của nhiều Bộ, ngành trong diện di dời cũng không khỏi băn khoăn.

Ông Phạm Đình Cường, cục trưởng Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho rằng, với quy mô diện tích 27ha ở khu đất mới để chia đều thì mỗi Bộ sẽ chỉ tọa lạc trên diện tích khoảng 2ha. Như vậy là hẹp hơn so với diện tích cũ. Đại diện một số bộ khác cũng đồng quan điểm với Bộ Tài chính. Họå nhất trí cao với phương án di dời nhưng vẫn "lăn tăn" về diện tích trụ sở mới. "Việc di dời là điều tất yếu. Vì nó sẽ giảm tải áp lực giao thông, áp lực dân cư trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, giá mà có thể nới rộng diện tích đất ở trụ sở mới thì hợp lý hơn", đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Không chỉ lăn tăn về việc diện tích "to hay nhỏ", một số bộ cũng loay hoay với nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó nổi bật lên nhất là câu hỏi mỗi Bộ di dời có được lập ra một ban quản lý dự án hay giao cho UBND thành phố thực hiện? Đó còn chưa kể đến những băn khoăn về cơ chế xây dựng, các Bộ tự chủ tài chính hay sẽ bán trụ sở cũ để lấy kinh phí xây dựng trụ sở mới?

Anh Nguyễn Đức K. hiện đang công tác tại Bộ Nội vụ chia sẻ, cách đây hai năm cơ quan bộ chuyển về trụ sở mới ở đường Tôn Thất Tùng (Cầu Giấy - Hà Nội). Lúc đầu được sang trụ sở mới khang trang, bề thế mà lại thông thoáng chứ không phải như trụ sở cũ ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh em trong cơ quan ai cũng thích. Tuy nhiên, đi làm được mấy hôm mới "bỗng dưng" nhận ra mình đi làm xa thêm hàng chục km, có người lên đến 20 km. Lúc đấy nhiều người cảm thấy nản. Theo anh, hầu hết các nhân viên trong bộ đều có nhà và thuê nhà ở khu vực nội thành. Hiện tại phải chuyển ra xa nên đi lại rất vất vả. Nhất là những hôm trời mưa, rét phải dậy sớm đội mưa hàng chục km để đi làm. Mọi thứ xáo trộn và cũng bất tiện.

Đảm bảo chính sách cho người dân khi bị di dời

Theo Sở QH - KT Hà Nội, nếu muốn các Bộ, ngành có trụ sở mới tại khu vực Xuân La (Tây Hồ) thì phải di dời hơn 1.600 hộ dân đang sinh sống tại đây. Nếu thực hiện điều này đồng nghĩa sẽ có hàng nghìn người phải chuyển sang nơi ở mới, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về khôi phục cuộc sống mới cho các hộ tái định cư là một bài toán khó.

Trao đổi với PV Người đưa tin về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Việc di dời trụ sở các Bộ, ban, ngành để giảm tải áp lực cho khu đô thị lõi đã được bàn đến trong quy hoạch Thủ đô từ nhiều năm trước. Trước đây, việc làm này dự định được giao cho các Bộ để họ tự tìm cách xử lý đất cũ, tìm vị trí xây mới… Tôi rất tán thành khi Chính phủ đã chỉ đạo TP.Hà Nội và Bộ Xây dựng tìm ra phương án xử lý cho vấn đề này".

TS. Liêm cho rằng, việc di dời trụ sở Bộ, ngành là cần thiết và đang rất cấp bách, tuy nhiên cần phải có trình tự, kế hoạch cụ thể. TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng cần ngồi lại với các Bộ ngành để xem xét xem bộ nào cần được ưu tiên di chuyển trước, Bộ nào cần di dời, bộ nào không nên ở lại… Ông Liêm cảnh báo, nếu ồ ạt di dời cả 19 bộ ngành, mạnh ai nấy đi thì không những gây lãng phí mà còn ảnh hưởng xấu đến quy hoạch Thủ đô.

"Chẳng hạn, tôi thấy, trụ sở của Bộ GTVT bây giờ cũng chỉ cần cải tạo lại thôi chứ không phải đập đi xây mới. Đó không chỉ đơn thuần là nơi làm việc mà còn là bộ mặt văn hóa của Hà Nội. Bộ Tư pháp cũng đang sở hữu một vị trí đất đẹp, nằm gần các đơn vị liên quan thì sao lại phải chuyển? Trong khi đó, trụ sở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại đang ở một góc khuất, hầu như không có mặt bằng vị trí gì cả. Những bộ như thế thì nên ưu tiên di dời trước. Ngân sách Nhà nước đang thiếu hụt trầm trọng vì thế Chính phủ cần kiên quyết làm chủ, điều hành hoạt động này chứ không thể để các bộ a dua đua nhau đòi di dời trụ sở", nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Liêm, nếu được giao quản lý những khu "đất vàng" đó, Hà Nội cần tính đến các phương án sử dụng sau khi các bộ di dời. Ông Liêm cho rằng, việc sử dụng đất trụ sở cũ phải tuân theo quy hoạch tổng thể. Không nên chỉ nghĩ đến vị thế đẹp của nó mà đề cao giá trị sử dụng để xây dựng nhà ở, khu trung tâm thương mại… Di dời nhóm người này đi để chuyển đổi mục đích sử dụng và kéo đến nhiều nhóm người khác thì sao có thể giảm tải cho giao thông nội đô được.

Theo TS. Liêm việc di dời, quy hoạch của chúng ta vẫn còn thiếu đi một cách nhìn tổng thể, thường thì tiện đâu làm đấy, nếu cảm thấy không phù hợp thì làm lại. Đây là tình trạng lãng phí. "Tôi thấy, cũng như những kế di dời trường học, bệnh viện… chúng ta còn thiếu đi cái nhìn tổng thể. Ngoài ra, cần chú ý rằng, việc thực hiện quy hoạch đô thị cũ cần phải tuân theo phương thức cải tạo và huy động vốn từ đất, không nên ồ ạt đập phá đi rồi lại xây mới lên các cơ sở khác", TS Phạm Sĩ Liêm cho biết.

Ngoài vấn đề sử dụng "đất vàng" sao cho hiệu quả, đúng mục đích, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cảnh báo cơ quan chức năng cần quan tâm và làm tốt công tác hậu di dời cho những hộ dân trong khu vực phải chuyển đi để Bộ, ngành về xây trụ sở. Theo ông Liêm, công tác giải phóng mặt bằng là điều khó khăn và dễ gây bức xúc cho nhân dân, do vậy cần phải đảm bảo đời sống của những người này khi họ và khu ở mới, không nên vì quá vội vàng mà ảnh hưởng đến họ. "Làm gì thì làm cần đảm bảo chính sách cho những hộ dân trong diện di dời, 1.600 hộ dân là con số không nhỏ", ông Liêm khẳng định.

Các Bộ “hơi ham” khi đòi giữ đất vàng

Trước ý kiến cho rằng, các Bộ ngành đang ồ ạt xin chuyển trụ sở để mong hưởng lợi ở cả hai khu đất cũ và mới, ông Liêm nêu ý kiến: Khi các Bộ đã được đầu tư để di dời đến địa điểm khác thì không còn quyền lợi và cũng không có bất cứ liên quan gì đến mảnh đất cũ nữa. Tôi cho rằng các Bộ hơi tham trong việc cứ đòi giữ "đất vàng". Họ nên nên giao lại đất cũ cho Hà Nội quản lý và sử dụng để làm sao phù hợp với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Theo Phạm Hạnh - Hà Khê (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.