Điều đó có nghĩa là, hàng chục ha “đất vàng” sẽ xuất hiện ngay giữa lòng Hà Nội. Mà những khu đất vốn dĩ là trụ sở cũ của các bộ, ngành đó thì đều tọa lạc ở những nơi mà dù trong bất cứ điều kiện nào, khó khăn hay thuận lợi, phát triển hay trì trệ, luôn luôn được mệnh danh là chỗ “hái ra tiền”. Những khoảng trống được thị trường định giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng đó sẽ được sử dụng như thế nào đây? Câu trả lời đã có: Sẽ đem ra đấu giá!
Dĩ nhiên là ai cũng biết, quy luật thông thường của mọi cuộc đấu giá đều là “ai trả giá cao nhất, người đó thắng”. Trong trường hợp này, người thắng cuộc, dù là tổ chức hay cá nhân sẽ trở thành người sở hữu một khối tài sản khổng lồ ngay giữa những con phố sầm uất nhất của Thủ đô. Những khu đất vàng này, sẽ biến thành tài sản cá nhân và thứ ngân sách thu được đó lại là những tờ… tiền giấy. Những thứ rất cần cho mọi nền kinh tế, mọi cá nhân nhưng có thể tiêu tán theo thời gian. Cái vĩnh cửu còn lại, lại thuộc về những “chủ nhân ông”, “chủ nhân bà” phía sau các cuộc đấu giá. Đó là điều chắc chắn mà hẳn ai cũng biết.
Dĩ nhiên là, ai cũng biết, với hàng nghìn tỷ đồng bỏ ra, chắc chắn những người đấu giá thành công chẳng phải “mua để chơi”. Với hàng nghìn tỷ đồng bỏ ra, họ chẳng thể “làm từ thiện”. Dĩ nhiên là, họ sẽ phải tính kế sinh lợi. Mà sinh lợi bây giờ ở các khu vực đắc địa nhưng hạn chế về không gian (chiều cao) nếu không là căn hộ chung cư “siêu sang” hay nhà biệt thự mặt phố thì cũng chỉ còn là nhà hàng, khách sạn, nhà văn phòng. Vậy nhưng, những mô hình đó, đều là thứ gây hiệu ứng ngược trở lại với cảnh quan, môi trường và không gian giao thông vốn dĩ đã rất chật hẹp và hạn chế của Thủ đô. Có nghĩa là, chúng ta lại thay thế sự đông đúc này bằng một sự ồn ào, chật chội khác?!
Đó là giả định rằng, mọi cuộc đấu giá “đất vàng” đều diễn ra một cách trong sáng, công bằng. Chứ thực ra, trong cuộc sống còn vô vàn những điều khó có thể diễn ra như thế. Ai cũng biết rằng, khi người ta tính giá thị trường 1m2 đất quanh các phố cổ ở khu vực quanh Bờ Hồ lên tới 1 tỷ đồng, “giá nhà nước” quy định sau rất nhiều lần điều chỉnh cũng chỉ chưa bằng… 1/10. Mấy lần thay Luật Đất đai, giữa các kỳ thay luật là nhiều lần “sửa đổi” khác, giữa các lần sửa đổi, đều đều trong mỗi năm, các tỉnh, thành phố đều ban hành giá đất mới, thế mà cái mốc giá bằng 1/10 đó vẫn chẳng thay đổi. Thử hỏi một vài cuộc đấu giá sao kham nổi công việc của nhiều thập niên, của hàng ngàn chuyên gia, hàng vạn công chức cộng lại?
Cũng là một giả định khi nói rằng: Lợi lộc lắm lối?!