Ngày 22-3, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm đánh giá việc thi hành pháp luật về xây dựng trên địa bàn TP. Đây cũng là hoạt động nằm trong đợt khảo sát của Bộ Tư pháp về việc thi hành pháp luật tại các cơ quan chức năng.


Bà Hồ Thị Kim Loan, chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, đề nghị các cơ quan chức năng nâng thẩm quyền xử phạt xây dựng không phép, sai phép của chủ tịch UBND phường xã, quận huyện để kịp thời xử lý các vụ vi phạm trong xây dựng. Trong ảnh: Tòa nhà 233 Đồng Khởi của Tập đoàn Bảo Việt xây sai phép 300m2 tại lầu 10 - Ảnh: P.P.H.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng muốn người dân tuân thủ pháp luật thì các văn bản pháp luật phải nghiêm, kín kẽ, rõ ràng. Theo ông Hiệp, hiện nay nhiều quy định, văn bản (gọi chung là văn bản) chưa đáp ứng cả ba điều kiện trên và trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản ra sao cũng không rõ.

Lạc trong rừng văn bản
Bà Hồ Thị Kim Loan, chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, đề nghị các cơ quan chức năng nâng thẩm quyền xử phạt xây dựng không phép, sai phép của chủ tịch UBND phường xã, quận huyện để kịp thời xử lý các vụ vi phạm trong xây dựng.

Theo quy định hiện nay, chủ tịch UBND phường xã chỉ được xử phạt tối đa 2 triệu đồng, chủ tịch UBND quận huyện, chánh thanh tra Sở Xây dựng chỉ xử phạt tối đa 30 triệu đồng. Nếu không nâng thẩm quyền xử phạt của phường xã, quận huyện thì công việc tiếp tục dồn lên cấp trên dẫn đến quá tải và việc xử lý vi phạm bị kéo dài.

Ông Hiệp nêu thực tế: có một nghị định mà đến hàng chục thông tư hướng dẫn kèm theo và không ít trường hợp nghị định đã có hiệu lực một năm rưỡi mà thông tư hướng dẫn vẫn chưa có nên không triển khai thực hiện được. “Hiện nay các bộ ngành ra quá nhiều văn bản, có bộ trong một năm ban hành hơn 100 thông tư! Để cập nhật quy định, cán bộ phải liên tục dò trên mạng và khi họp phải đem từng xấp tài liệu theo nhưng việc dò tìm cũng không dễ dàng. Nếu không thoát ra được vấn đề này sẽ khó cho người thực thi pháp luật” - ông Hiệp nói.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên tham gia đoàn giám sát cùng Bộ Tư pháp, cho biết khi đi kiểm tra ở một số địa phương đã phát hiện nhiều nơi vẫn còn áp dụng văn bản cũ, trong khi quy định mới đã có hiệu lực. Giải thích tình trạng này, các địa phương cho rằng do có cả “rừng” văn bản nên không thể nhớ hết.

Ông Hiệp cho rằng việc góp ý các văn bản rất tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian, nhưng có những văn bản “tuổi thọ” rất ngắn. Cụ thể, nghị định 12 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, ban hành ngày 10-2-2009 và tám tháng sau, ngày 15-10-2009 lại có nghị định 83 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 12. Hiện nay cơ quan liên quan đang chuẩn bị dự thảo nghị định mới với nội dung tương tự hai nghị định trên.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP, có những cơ quan ra văn bản sai, bị Bộ Tư pháp “thổi còi” và họ không sửa nhưng cũng chẳng sao. Sở Xây dựng TP đề nghị Bộ Tư pháp phải là cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ trong việc ban hành các văn bản, kịp thời “thổi còi” các văn bản không khả thi và có quy định chế tài đối với các cơ quan soạn thảo văn bản, không nên duy trì tình trạng sai đâu sửa đó.

Bộ Xây dựng đứng cuối bảng

Theo bà Dương Thị Thanh Mai - chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, việc ban hành quá nhiều văn bản khiến người dân khó tiếp cận nguồn văn bản này. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp VN, trong 14 bộ ngành thì Bộ Xây dựng đứng cuối bảng do ban hành nhiều văn bản nhưng mức độ phổ biến, giúp dân hiểu rất hạn chế.

Cũng theo bà Mai, có những cán bộ, chuyên viên được đào tạo theo chuyên môn khác nhưng lại bố trí tham gia soạn các văn bản luật, dẫn đến văn bản thiếu tính khả thi. Mặt khác, quá trình soạn thảo văn bản các cơ quan chức năng chưa đánh giá văn bản sẽ tác động đến kinh tế - xã hội như thế nào.

Bà Mai cho biết Bộ Tư pháp đang đề xuất Chính phủ theo hướng sẽ sắp xếp các văn bản quy định hiện hành theo từng chủ đề khác nhau và hệ thống theo trình tự: luật, nghị định, thông tư... Bộ đề nghị trước khi văn bản mới có hiệu lực, cơ quan chức năng ban hành văn bản phải cập nhật lại những văn bản trước đó để giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Đồng thời sẽ thành lập bộ phận pháp chế tại các sở ngành, tổng công ty để kiểm soát, soạn thảo các văn bản cho đúng quy định và mang tính khả thi cao.

Cafeland.vn - Theo Địa Ốc TTO
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland