05/04/2012 12:44 AM
Nhiều địa phương đã không khảo sát giá đất theo thị trường trước khi ban hành bảng giá đất hàng năm. Đây là lý do khiến bảng giá đất ở nhiều thành phố thường trở nên lạc hậu so với thị trường, thấp hơn tới 30-60%, Bộ Tài chính vừa cho biết.

Chiều 4/4, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra công tác quản lý giá đất năm 2010 tại các địa phương.


Theo báo cáo này, 3 địa phương gồm Hà Nội, Long An, Bình Định đều có vi phạm về quản lý giá đất khi ban hành Bảng giá các loại đất nhưng chưa thực hiện đúng quy định theo Thông tư Liên tịch số 2 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.


Vi phạm phổ biến nhất là các địa phương đã không tiến hành khảo sát giá đất thị trường đầy đủ khiến cho các bảng giá đất trở nên thiếu cơ sở thực tiễn.


Cụ thể như, tại Thành phố Hà Nội, bảng giá các loại đất tại 13 tuyến đường ở 4 quận do UBND thành phố phê duyệt đều không có phiếu điều tra giá đất trên thị trường. Bộ Tài chính cho hay, tại đây, toàn bộ loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không có phiếu điều tra. Đất ở tại một số tuyến đường không có phiếu điều tra hoặc chỉ có phiếu điều tra tại một số vị trí đất. Trong khi đó, hầu hết giá đất trên các phiếu điều tra theo giá thị trường được thực hiện tại một số vị trí thì đều cao hơn từ 25% so với giá đất trên bảng giá của UBND thành phố.



Tính tới thời điểm 31/12/2010, Hà Nội có tới 49 dự án giao đất cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới (do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định) đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền sử dụng đất phải nộp trước khi bàn giao cho các nhà đầu tư không đúng trình tự, thủ tục . Việc này đã dẫn đến hậu quả là xác định tiền sử dụng đất các dự án phải nộp không phù hợp, cơ quan thuế không đủ căn cứ để thu tiền sử dụng đất. Lơi dụng kẽ hở này, các chủ dự án trên cũng chậm nộp tiền sử dụng đất.


Tại tỉnh Long An, việc điều tra, khảo sát giá đất, phân tích các mức giá đất thực tế đã chuyển nhượng trên thị trường để so sánh, xác định giá của thửa đất, loại đất cần định giá cũng không được thực hiện. Trong khi theo quy định, đây là căn cứ quan trọng để xây dựng bảng giá các loại đất. Tỉnh này chỉ căn cứ vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Bảng giá các loại đất năm 2009 và dự kiến bảng giá các loại đất năm 2010 của UBND các huyện, thành phố.


Ngoài ra, năm 2010, tỉnh này đã thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho 3/13 dự án được thanh tra khi chưa có quyết định thành lập khu công nghiệp.


Tỉnh Đăk Nông có 4 trên tổng số 5 dự án được thanh tra lại áp dụng giá đất được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 và cộng thêm 30% trượt giá. Việc áp dụng giá đất như vậy là chưa sát với giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 69 của Chính phủ. 1 dự án tại đây được thẩm định, xác định giá đất không nhất quán, sử dụng giá đất chỉ bằng 60% đến 70% giá đất thị trường.


Tỉnh Bình Định khi bị thanh tra 13 dự án thì có tới 11 dự án không triển khai, khảo sát và thu thập thông tin từ 3 đến 5 thửa đất có giao dịch chuyển nhượng thành công trên thị trường để làm căn cứ so sánh, thẩm định giá theo quy định. Đây cũng là địa phương vi phạm chưa lập đầy đủ phiếu điều tra giá đất trên thị trường trước khi ban hành bảng giá.


Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương cần chấn chỉnh việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất các chủ dự án phải nộp NSNN cũng như công tác quản lý giá nói chung.


Trước đó, tại hội nghị về huy động nguồn lực tài chính từ đất đai hôm 23/3 do Cục Quản lý công sản của Bộ Tài chính chủ trì, tình trạng bảng giá đất lạc hậu đã bị nhiều đại biểu than phiền.


Ông Nguyễn Xuân Long, Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa chia sẻ cho hay, giá đất theo khung không sát thị trường đã làm khó cho công tác thu hồi đất ở các dự án. Ví dụ, giá đất tại đường Trần Phú của tỉnh Khánh Hòa là trên 200 triệu đồng/m2 theo thị trường, nhưng giá trong bảng giá của tỉnh chỉ là 48 triệu đồng/m2, còn giá của Sở Tài nguyên môi trường là 18 triệu đồng/m2. Các thành phố muốn cạnh tranh nên để giá đất trong bảng giá thấp để thu hút đầu tư. Mặt trái của nó là bài toán thất thoát cho ngân sách nhà nước.


Cục Quản lý công sản cũng nhận định, giá đất trong bảng giá đất tại nhiều địa phương vẫn thấp xa so với giá đất thị trường, phổ biến chỉ bằng 30%- 60% giá thị trường. Cách quản lý lỏng lẻo này đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, làm gia tăng khiếu kiện trong nhân dân. Hiện, cơ quan này đang đề nghị Chính phủ bỏ khung giá đất.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.