19/09/2013 7:57 AM
Những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến những diện tích đất và rừng được giao cho các LTQD tăng cả về quy mô và hình thức.

Những mâu thuẫn liên quan đến quyền sử dụng, quyền được thuê, khoán trồng hoặc bảo vệ những diện tích đất và rừng do lâm trường quốc daonh ( LTQD) quản lý là thực trạng phổ biến từ lâu. Sự ra đời của Nghị quyết số 28/TW ngày 16/6/2013 của Bộ Chính trị và Nghị định 200/2004/NĐ–CP cũng nhằm một phần quan trọng để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến những diện tích đất và rừng được giao cho các LTQD quản lý không những khắc phục mà còn lan rộng, tăng cả về quy mô và hình thức.

Người dân mong muốn có đất canh tác để ổn định cuộc sống


Các kiểu tranh chấp đất đai

Tình trạng xâm lấn đất rừng, phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất ở những vùng lâm trường quản lý vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên có di dân tự do. Ông Nguyễn Chí Thung, chủ tịch UBND xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông cho biết, trên địa bàn xã có hơn 4.000 ha rừng tự nhiên và đất rừng do Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín thuộc công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý.

Tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất đai ở những diện tích này rất phức tạp, người dân ở các nơi vào sâu trong rừng chặt phá chiếm dụng diện tích rừng làm đất sản xuất. Công ty lâm nghiệp không quản lý được, chính quyền địa phương cũng bất lực.“Người ta lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy từ năm 2004 đến nay. Hiện nay, công an thị xã Gia Nghĩa thành lập 1 đội để làm rõ vấn đề này, kiểm tra lại diện tích rừng của xí nghiệp Nghĩa Tín. Chính quyền địa phương cũng có chủ trương, có kế hoạch, có thực hiện nhưng lực bất tòng tâm”, ông Thung chia sẻ.

Số liệu Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắc Nông), báo cáo gửi Bộ NN&PTNT chỉ là 118 ha bị người dân chặt phá, lấn chiếm. Tuy nhiên, trên thực tế, riêng tại xã Quảng Thành đã bị dân lấn chiếm khoảng 2.000 ha. Tổng diện tích tranh chấp, lấn chiếm ở công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa là hơn 7.000 ha.

Thực tế này cũng xảy ra ở công ty lâm nghiệp Đông Bắc (Lạng Sơn) được giao quản lý và sử dung 21.000 ha. Nhưng tổng diện tích tranh chấp lấn chiếm và dự kiến công ty sẽ trả lại cho chính quyền địa phương khoảng 12.500 ha. Tuy nhiên, ông Nguyễn văn Việt, giám của công ty Đông Bắc cho biết trong hơn 9.000 ha đã được công ty quy hoạch và quản lý thì vẫn có tới hơn 4.500 ha đang bị người dân lấn chiếm. Như vậy tổng diện tích công ty Đông Bắc đang quản lý bị người lấn chiếm là khoảng 14.500 ha.

Ở Công ty lâm nghiệp Yên Bình (Yên Bái) cũng không sáng sủa hơn. Ông Phạm Đăng Hân, giám đốc công ty lâm nghiệp Yên Bình cho biết, hơn 1.400 ha đất giao mà công ty được giao thì đã có 800 ha bị người dân lấn chiếm.


Các hình thức tranh chấp ở đây khá phức tạp, công ty khai thác rừng trồng đến đâu, người dân địa phương đến lấn chiếm và trồng cây đến đó, hoặc nhổ cây vừa trồng của công ty để trồng lại cây của mình, ngăn cản không cho công ty tiếp tục trồng rừng, thậm chí công ty chưa khai thác rừng trồng, người dân địa phương đã đến trồng cây nông nghiệp hoặc đánh dấu phát bụi trước để giữ chỗ.

“Dân người ta lên đông, công nhân không cản được. Đánh nhau thì không đủ sức rồi. Chúng tôi báo chính quyền xã mời họ lên UBND xã làm việc, họ không lên hoặc nếu có lên thì cũng cãi vã, chửi nhau chày cối ở UBND xã. Công an huyện có về thì cũng chỉ nhắc nhở, đình chỉ việc ấy lại mà thôi, không có xử phạt gì”, ông Hân phàn ánh.

Xung đột đất đai liên quan đến diện tích đất và rừng lâm trường quản lý đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong xã hội với những vụ khiếu kiện đông người. Xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng trở thành điểm nóng khi người dân kéo lên đập phá trụ sở của các công ty cao su.

Diện tích đất mà UBND tỉnh Lâm Đồng giao để trồng cao su khiến người Châu Mạ bất bình

Ông K’Ba, trưởng thôn 3, xã Lộc Bảo cho biết, từ năm 2001, cộng đồng người Châu Mạ ở thôn 3 xã Lộc Bảo đã có đơn xin cấp quyền sử dụng đất ở những nơi mà vốn rừng tâm linh, rừng văn hóa của đồng bào nhưng không được UBND tỉnh chấp nhận.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, UBND tỉnh lại Lâm Đồng lại có quyết định giao những diện tích đó cho các công ty cao su khai thác rừng để sau đó trồng cao su. Tại sao chúng tôi cũng xin không cho mà lại giao cho công ty cao su. Thế là thanh niên, người lớn đi tới văn phòng, cầm gậy đánh nhau luôn. Tôi nhắc là tượng Bác Hồ và cờ đỏ sao vàng là không được động vào, còn lại nhà cửa, mọi thứ họ đập phá hết!”, ông K’Ba bất bình.

Tảng băng chìm là bao nhiêu?

Năm 2012, Viện Tư vấn và Phát triển phối hợp cùng Forest Trends và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tiến hành điều tra nghiên cứu về quan hệ đất đai giữa LTQD với người dân địa phương tại 4 điểm là Công ty lâm nghiệp Đông Bắc (Lạng Sơn), Công ty lâm nghiệp Long Địa (Quảng Bình), Công ty lâm nghiệp M’Đrắc (Đắc Lắc) và Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc (Lâm Đồng).

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, xung đột/ tranh chấp liên quan đến diện tích đất do các công ty lâm nghiệp quản lý là rất nghiêm trọng, xa rời với những con số trong báo cáo gửi các cơ quan quản lý.

“Mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với con số báo cáo, thống kê trước đó. Đến nay thì các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn rất lúng túng trong việc nắm thông tin về thực trạng về diện tích đất lấn chiếm, chồng lấn, mâu thuẫn tranh chấp”, ông Tú cảnh báo.

Mâu thuẫn/xung đột đất đai gây bất ổn xã hội

Mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân đã và đang có tác động tiêu cực về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, làm căng thẳng mối quan hệ giữa người dân và lâm trường, giữa địa phương với người bên ngoài cộng đồng và giữa người dân với Chính quyền các cấp. Mâu thuẫn này đang gây tốn kém thời gian và tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của Lâm trường khi các bên không yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo báo cáo số 595/BC-TCLN-BCS ngày 15/7/2012 của Tổng cục Lâm Nghiệp, diện tích đất lâm trường có tranh chấp chỉ có 7.600 ha. Nhưng trên thực tế con số này lớn hơn gấp nhiều lần. Nếu tính tổng diện tích có tranh chấp lấn chiếm của 148 công ty lâm nghiệp trên cả nước thì quả thực con số hơn 7.600 ha đất lâm trường có tranh chấp chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi./.

Vì sao những mục tiêu cơ bản của NQ 28/TW của Bộ Chính trị chưa đạt được và mâu thuẫn đất đai lại ngày càng trở lên nghiêm trọng hơn. Mời các bạn theo dõ tiếp bài 4:“Đất lâm trường: Nghịch lý thiếu-thừa”

Lê Bình (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.