Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, để người dân dễ tiếp cận với nhà thu nhập thấp, doanh nghiệp cần làm nhà 30m2. Tuy nhiên trong thực tế, nhà với diện tích này lại rất hiếm...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp bất động sản đang quá chú trọng phát triển sản phẩm cao cấp, diện tích lớn mà chưa quan tâm đến nhu cầu của đại bộ phận người dân. Vì vậy, mục tiêu đề ra là lo chỗ ở cho người dân chứ không phải là lo cho mỗi người dân được sở hữu một căn nhà. “Nhà thu nhập thấp ở Singapore chỉ đỗ ở tầng 5-10-15, lên tầng 12 thì phải đến tầng 10 rồi cuốc bộ 2 tầng để tiết kiệm. Nhà thu nhập thấp của mình làm quá xịn”, ông Nam nói.

Thời gian qua, tỷ lệ căn hộ có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán phù hợp với người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp chiếm số ít. Vì vậy, nếu không muốn “ế hàng,” các chủ đầu tư cần phải tính toán quy mô và đa dạng hóa cơ cấu nhà ở, nhất là căn hộ chung cư. Việc đa dạng hóa các loại hình nhà ở phải xuất phát từ khâu quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư theo quy hoạch theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường.


Nhà thu nhập thấp ở Việt Nam quá xịn

Giật mình trong gara của nhà "người thu nhập thấp"


“Tôi khuyến nghị doanh nghiệp chỉ nên làm nhà diện tích nhỏ. Quy định cho phép làm nhà từ 30 đến 70 m2, thì doanh nghiệp toàn làm 58-70 m2, một mức tối đa. Sao doanh nghiệp không làm nhà 30 m2? Nếu 30 m2 mà nhân với 10 triệu đồng mỗi m2 thì chỉ mất 300 triệu đồng cho mỗi căn nhà thôi. Mức độ điều chỉnh nên vừa phải thôi, người nghèo đang ở 16-20 m2 có nhà 30m2 đã là hạnh phúc rồi. Ở Hà Nội, có đại biểu Quốc hội ở có 6 m2, nay ra căn hộ 20-30 m2 là quá ổn, sạch sẽ, khép kín lại có cầu thang máy”, Thứ trưởng Nam nói.

Trước mắt, Chính phủ đang tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội tham gia chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp, hộ nghèo nông thôn) để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Song hành với việc này là mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà.

Đồng thời, mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản cũng cần được nghiên cứu thí điểm để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định trong chiến lược nhà ở đã trình Chính phủ, về mặt pháp luật cần phải có một nghị định phát triển nhà ở cho thuê. Hiện người dân chưa mặn mà với loại nhà này, doanh nghiệp càng “ngoảnh mặt làm ngơ” vì sợ “bỏ tiền tỷ, thu tiền xu.” Do đó, Nhà nước cần có định hướng, hỗ trợ nhà cho thuê và huy động nguồn lực hướng vào loại hình nhà ở này.

Về vấn đề bán nhà thu nhập thấp, Thứ trưởng Nam nói “tôi khẳng định, cả thế giới không có nơi nào cho phép bán nhà ở xã hội cả. Riêng Hong Kong phát triển lâu rồi, thì họ cho bán nhưng thu lại chênh lệch. Ví dụ như trước họ mua 6 triệu đồng nay bán được 26 triệu, tức là lãi 20 triệu đồng thì chia đôi, nhà nước được một nửa, người bán được một nửa.

Nhà thu nhập thấp của chúng ta, sau 10 năm mới được bán trên thị trường tự do và lúc đó sẽ tính là Nhà nước có thu lại phần chênh lệch không. Trong vòng 10 năm, nếu có nhu cầu, khách hàng vẫn được bán nhưng bán cho nhà nước và cho chủ đầu tư”.
Theo Lam Nguyên (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.