06/03/2014 8:02 PM
Theo hợp đồng, nếu bàn giao mặt bằng chậm một ngày, chủ đầu tư dự án metro số 1 TP.HCM phải bồi thường cho đơn vị thi công hơn 2,5 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Tuyến tàu điện ngầm số 1 TP.HCM (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên) được khởi công từ tháng 8/2012, bằng vốn ODA Nhật Bản. Tuy nhiên, tới nay vẫn chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo kế hoạch, TP.HCM (chủ đầu tư) phải bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2012, nhưng sau đó gia hạn tới hết tháng 9/2013, rồi hết năm 2013 vẫn chưa xong GPMB.

Có thông tin cho rằng, liên doanh nhà thầu thi công gói thầu số 2 là Sumitomo (Nhật) - Cienco 6 yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường chi phí phát sinh do chậm bàn giao mặt bằng, số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày.

Trước thông tin trên, trả lời báo chí sáng 6/3, ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cho biết, tuyến metro số 1 TP.HCM đúng là có chậm GPMB.

“Nhưng chúng tôi chưa nhận được thông tin nào nói rằng chi phí tăng do vấn đề này”, ông Mori Mutsuya nói.

Theo ông Mori Mutsuya, một khi chủ đầu tư và nhà thầu đã ký hợp đồng và quy định thời gian bàn giao mặt bằng, nhà thầu sẽ có kế hoạch thi công, thuê công nhân, máy móc, vật tư… Nhưng mặt bằng bàn giao chậm khiến các kế hoạch của nhà thầu bị gián đoạn, phát sinh nhiều chi phí, như bồi thường hợp đồng, lãi suất ngân hàng…

“Những chi phí đó phát sinh do chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng theo cam kết, vậy ai phải trả, nhà thầu hay chủ đầu tư? Sẽ không nhà thầu nào chịu trả phí phát sinh nếu lý do chậm tiến độ không phải do họ”, ông Mori Mutsuya khẳng định.

Vì vậy, theo đại diện JICA, các cơ quan chức năng cần có quy định pháp luật cụ thể về thời gian dự án và thời gian kéo dài.

Trước đó, nhà thầu Nhật thi công cầu Nhật Tân (Hà Nội) cũng đã yêu cầu phía Việt Nam bồi hoàn chi phí phát sinh khoảng 200 tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng. Sau khi Bộ GTVT làm việc với nhà thầu, số tiền phải bù còn hơn 155 tỷ đồng.

Trong năm tài khóa 2013, Nhật đã ưu tiên dành ODA cho VN tổng cộng khoảng 200 tỷ yên (tương đương hơn 41,2 nghìn tỷ đồng), chiếm 30% tổng vốn ODA của Việt Nam. “Năm 2014, nguồn vốn ODA Nhật dành cho Việt Nam không thấp hơn năm 2013”, ông Mori Mutsuya cho hay.

Trong 20 năm qua (1992-2012), Nhật đã dành khoảng 2.000 tỷ yên vốn ODA cho Việt Nam, và viện trợ không hoàn lại 84 tỷ yên. Với một số dự án lớn như cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân, đường vành đai 3 Hà Nội… Dự kiến, cuối tháng 3 này, Nhật Bản tiếp tục cấp khoảng vay khoảng 120 tỷ yên cho một số dự án mới tại Việt Nam.

Đồng thời, trong vài năm gần đây, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.

Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.