12/02/2014 1:16 PM
Từ cuối năm 2012, UBND Tp. Hà Nội ban hành quy chế đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư (TĐC) và nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, những bất cập liên quan đến quản lý, phát triển nhà TĐC khó lòng giải quyết một sớm một chiều.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2014, Hà Nội tiếp tục thực hiện đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các khu chung cư TĐC thuộc địa bàn.

Vẫn khó an cư!

Nhà TĐC đóng vai trò thiết yếu trong rất nhiều kế hoạch, đề án, chương trình đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân mang tầm vóc Quốc gia, tỉnh thành.

Đặc biệt, với những đô thi đặc biệt, loại 1 hoặc loại 2 có mật độ dân cư ngày càng tăng như Hà Nội.

Ở Tp.HCM, nhà TĐC đã trở thành một trong số các giải pháp hữu hiệu của cơ quan chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh sống (ổn định lâu dài hoặc thuê) của cư dân.

Tại Thủ đô, sau khi thị trường BĐS gặp cơn "giá lạnh", dư luận và giới hoạch định chính sách mới nhận ra những khiếm khuyết "chết người" của địa ốc: bỏ quên nhu cầu ở thực – nguồn cầu chính của thị trường bấy lâu nay. Trước đó, nhà TĐC vẫn chỉ được coi là phương án "tạm" cho những trường hợp phải di dời, chuyển chỗ ở để phục vụ giải phóng mặt bằng, phát triển dự án.

Đến nay, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân Thủ đô đã quen dần với cụm từ "tồn kho", "nợ xấu" hay như "BĐS đóng băng" và tìm cách chung lưng giải quyết. Song hành với sự chờ đợi phập phồng vào nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh trong năm 2014, phần đa người dân tại Hà Nội vẫn đeo đẳng giấc mơ an cư.

Nhà TĐC vẫn phải vượt qua rất nhiều bất cập để mang tới cuộc sống an cư cho người dân

Tháng 9/2013, Nghị định 84/2013 quy định thêm hình thức thuê nhà ở TĐC. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu có nhu cầu thuê, sẽ được thuê nhà ở TĐC. Như vậy, ngoài phương thức bán nhà TĐC như trước, người cần nhà thuộc đối tượng phải di dời nêu trên có thêm sự lựa chọn thuê nhà TĐC tối thiểu 3 năm để giải quyết nhu cầu ở trước mắt.

Những quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản đều được nêu rõ trong Luật Nhà ở, cũng như các quy chế, văn bản quy phạm bổ sung của Tp. Hà Nội từ 2, 3 năm nay. Vậy nhưng cuộc sống tại nhiều khu TĐC vẫn đủ điều tiếng. Một điển hình "cũ" là khu tái định cư Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy) mệnh danh như "ốc đảo" giữa Thủ đô, vì hạ tầng xã hội thiếu hụt, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp vẫn chưa được khắc phục.

Mới hơn nữa, dư luận lại được "hâm nóng" trước thông tin về cuộc sống gian nan của hàng nghìn hộ dân tại khu TĐC Đồng Tàu (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), khi phải "an cư" cùng tình trạng sân, vỉa hè giáp móng nhà bị sụt, lún, hệ thống ống nước thải vỡ và xả tự do xuống nền đất…

"Miếng bánh"… ki ốt dịch vụ

Dịch Vọng, Đồng Tàu, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Đền Lừ, Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính… là những khu TĐC tiêu biểu cho cuộc sống "thiếu hạ tầng thiết yếu, thừa tiện ích thương mại" của cư dân sở tại. Cách đây chưa đầy một năm, nhiều báo chí đã bóc tách "góc khuất" đằng sau những cụm từ hoa mỹ dành cho nhà ở TĐC từ trước đó. Ngoại trừ trường hợp "hiếm" như Trung Hòa – Nhân Chính (ít bị phàn nàn), hầu hết những khu TĐC còn lại đều gặp vấn đề về giá bán, chất lượng công trình hoặc quản lý, khai thác diện tích kinh doanh, dịch vụ tầng 1 (được biết tới qua các kiốt nhan nhản xuất hiện ở các tòa TĐC).

Bước chân tới trục đường Hoàng Đạo Thúy, không khó nhận ra rất nhiều quán cà phê, quán ăn nhanh, cửa hàng thời trang án ngữ dày đặc tại tầng 1 khu TĐC Trung Hòa – Nhân Chính. Tại nhà TĐC Dịch Vọng, Đồng Tàu, Đền Lừ, cư dân dễ dàng tìm được nhà hàng, quán photo, hàng ăn bình dân, bia hơi, nhưng để gửi con nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, hay tìm cơ sở y tế lại vô cùng gian nan. Bởi những ki ốt dịch vụ tầng 1 đều được cho thuê để khai thác mục tiêu thương mại (thay vì đáp ứng nhu cầu dân sinh tại chỗ).

Về phía cơ quan quản lý Hà Nội đã ban hành Quy chế đấu giá thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư TĐC. Cụ thể, từ 1/12/2012, phần diện tích còn lại của các tòa nhà TĐC, nhà ở xã hội (sau khi trừ đi các diện tích phục vụ cộng đồng dân cư) sẽ phải đem ra đấu giá. Người trả giá thuê cao nhất sẽ được thuê diện tích đó để kinh doanh. Thời hạn cho thuê không quá 5 năm (với trường hợp trả tiền thuê hàng năm) và không quá 10 năm (với trường hợp trả tiền thuê 1 lần). Trường hợp phát hiện phiên đấu giá có hiện tượng "thông thầu", gây thiệt hại cho Nhà nước, Hội đồng đấu giá phải lập biên bản hủy ngay phiên đấu giá….

Đầu năm nay, nguồn tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố sẽ duy trì phương án đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ. Câu hỏi đặt ra, liệu chuyện "đi đêm" giữa đơn vị quản lý và doanh nghiệp trúng thầu có bị triệt tiêu xử lý trước thực tế đáng lo ngại diễn ra từ 2012 đến nay.

Còn nhớ, năm 2012 – thời điểm ban hành quy chế nêu trên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên thực tế, không thể loại trừ hết khả năng thông đồng khi đấu giá diện tích cho thuê.

Đông Hưng (Thời báo Kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.