Phải chờ ưu đãi nên cầm chừng?
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP và các quyết định về phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội là học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, công nhân lao động tại các KCN, người thu nhập thấp đô thị, ngoài việc tập trung tuyên truyền tạo được sự đồng thuận trong xã hội, Bộ Xây dựng đã khẩn trương đôn đốc các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu, đề xuất danh mục, địa điểm và quy mô các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng này trên phạm vi địa bàn theo 2 giai đoạn (2009 - 2010 và 2011 - 2015) với yêu cầu đặt ra cho các dự án được ưu tiên là có đất sạch, đã được phê duyệt và xác định chủ đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, ngay trong thời gian đầu triển khai, nhiều địa phương đã có báo cáo đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân giai đoạn 2009 - 2015 với 110 dự án, đáp ứng cho khoảng 1 triệu người. Riêng trong hai năm đầu tiên (2009 và 2010) đã có 47 dự án đăng ký với quy mô xây dựng trên 1,176 triệu m2 sàn, tổng vốn đầu tư là 4.975 tỷ đồng, trong đó huy động từ các DN khoảng 4.356 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 200 nghìn người. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 25 dự án (đạt 53% so với dự kiến) được khởi công xây dựng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 128.830 lao động với tổng mức đầu tư khoảng 2.752 tỷ đồng. Trong số các dự án đã khởi công mới chỉ có 9 dự án đã hoàn thành, bàn giao, đạt 36%; đáp ứng chỗ ở cho khoảng 27.800 công nhân (đạt 14% so với dự kiến). TP.HCM minh dẫn đầu với 8 dự án và Hà Nội chỉ có 1 dự án.
Ngay từ ban đầu, với quyết tâm triển khai nhanh và hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng nêu trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng trăn trở: Chủ trương của Nhà nước ra đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao của cả xã hội,các cấp chính quyền địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của các DN. Tuy nhiên nhu cầu cần đáp ứng nhà ở cho 2 đối tượng trên là rất lớn, trong khi đó các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về quỹ đất, vốn, các ưu đãi đặc thù... nên nhiều doanh nghiệp sau khi đã khởi công đã tạm dừng triển khai hoặc triển khai rất chậm.
Về nhà ở cho NTNT, thời gian đầu, các địa phương đã báo cáo nhu cầu đầu tư cho giai đoạn 2009 - 2015 là 189 dự án với quy mô 166.390 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700 nghìn người.
Theo NQ 18 và các quyết định của Chính phủ, việc phát triển nhà ở cho công nhân KCN và NTNT được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hoá. Chủ đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi, thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất, được miễn thuế thu nhập DN phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho công nhân KCN và NTNT. Quá trình triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi này, ngày 22/7/2009, Chính phủ ban hành Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 65, 66, 67 và theo đó các ưu đãi được áp dụng trong năm 2009. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập DN về các ưu đãi này. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ và những Quyết định nêu trên đã được gần 3 năm, song các cơ chế, chính sách ưu đãi đó chỉ được áp dụng trong năm 2009 - năm bắt đầu triển khai. Trong khi đó, để hoàn thành dự án, thông thường chủ đầu tư phải triển khai thực hiện ít nhất là trong 2 năm. Bởi vậy, hầu hết chủ đầu tư các dự án đã khởi công vẫn chưa được thụ hưởng những ưu đãi này, ảnh hưởng tới việc thu hút DN tham gia cũng như chủ trương, mục tiêu của Chính phủ về phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nhiều địa phương và doanh nghiệp đang kiến nghị Chính phủ cho phép được tiếp tục triển khai các ưu đãi đó cho những năm tiếp theo.
Cần được tiếp sức
Trong sự cảm thông với các DN, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng hiện nay đang rất cần các giải pháp kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng ,mắc để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư triển khai các dự án.
Thực tế, sau khi các DN có thông tin về việc chỉ thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế trong năm 2009 đã xảy ra hiện tượng tạm dừng hoặc triển khai cầm chừng sau khi khởi công. Hiện cả nước mới chỉ có 5 dự án được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng số vốn vay khoảng 740 tỷ đồng, đạt 19% so với số vốn của các dự án đã khởi công. Do không được áp dụng ưu đãi thuế và khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên giá thành mỗi mét vuông sàn căn hộ đã hoàn thành cũng khá cao, từ 10 - 12 triệu đ/m2. Điều này đã làm tăng giá thành căn hộ, giảm khả năng tiếp cận của người hưởng lợi và giảm hiệu quả của các chủ đầu tư…
Ông Lê Ngọc Ước - Phó giám đốc Cty Đầu tư phát triển hạ tầng VIGLACERA (Chủ đầu tư dự án NTNT Đặng Xá) phản ánh: Khi triển khai dự án, DN rất bí vốn. Quy định của Chính phủ làm dự án nhà TNT được vay vốn ưu đãi nhưng thực tế dự án tại Đặng Xá mới chỉ được giải ngân 10% vốn ưu đãi so với tổng thể dự án là 100 tỷ. Trong khi ngân hàng cũng rất hạn chế cho vay BĐS". Ông Trần Văn Can - Giám đốc Handico 5 (chủ đầu tư dự án NTNT Sài Đồng) cũng phàn nàn: Một công trình xây dựng bình thường mất từ 3 - 4 năm. Khung giá do Cty đưa ra l12,03 triệu đ/m2 nhưng lên Sở Tài chính cộng thêm tiền thuế vào. Thêm nữa DN không vay được vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam như quy định. Mọi khoản đều do DN bỏ tiền ra làm, nếu như không huy động vốn từ khách hàng thì chúng tôi buộc phải vay ngân hàng với lãi suất cao, khi đó giá thành còn bị đội lên cao nữa...
Trong năm 2009 và 2010 có 150 dự án triển khai, quy mô xây dựng gần 5,6 triệu m2 sàn với số vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng, chủ yếu là vốn do DN tự huy động. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 640 nghìn người. Tuy nhiên, đến nay mới có 39 dự án (khoảng 26% so với dự kiến) được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 785.500m2 đáp ứng cho khoảng 66.900 người có thu nhập thấp. Trong số này mới chỉ có 1.714 căn hộ hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.800 người, chỉ đạt 1% so với kế hoạch ban đầu. |