14/03/2013 3:18 PM
Theo các chuyên gia, việc Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại thấp tầng sang làm nhà ở xã hội hoặc bệnh viện, trường học, khách sạn, công trình thương mại sẽ hình thành làn sóng chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại, gây ra sự bất hợp lý trong kết cấu nhà ở, làm tăng dư thừa nguồn cung.

Chuyển công năng nhà ở: Bất cập

Tại TPHCM, doanh nghiệp đầu tiên xin chuyển nhà thương mại sang bệnh viện là Công ty 584 với dự án hơn 2.000 căn hộ tại quận Bình Chánh, TPHCM. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển đổi bất thành bởi tiêu chuẩn của ngành y tế khác với tiêu chuẩn nhà ở thương mại.

“Chủ trương cho phép nhưng việc chuyển đổi không hề đơn giản. Dự án của Cty 584 đã hoàn thành xong một khối nhà 540 căn hộ và hoàn thành 80% một khối nhà 430 căn hộ nên Nhà nước phải xác định rõ doanh nghiệp xin chuyển công năng tạm thời hay vĩnh viễn. Nếu chỉ là tạm thời thì sau khi hết thời gian chuyển công năng doanh nghiệp phải hoàn trả lại đúng nhà ở như ban đầu. Phải hết sức linh hoạt và uyển chuyển thì việc chuyển công năng mới có thể tiến hành một cách thuận lợi”- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM phân tích.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, chủ trương cho chuyển nhà thương mại thành khách sạn, bệnh viện đưa ra chưa thật đúng vì công năng khi xây khách sạn, bệnh viện khác nhiều so với công năng sử dụng nhà thương mại.

Ta đang làm theo kiểu bị động. Nay chuyển đổi công năng thì chắc chắn phải điều chỉnh thiết kế lại. Còn những dự án chưa hình thành, chỉ là đất, thì câu chuyện đặt trong tay những nhà quản lý quy hoạch. Phải xem nó vì lợi ích của ai”- ông Võ nói.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng cho rằng, doanh nghiệp khi xin chuyển đổi công năng phải có điều tra thị trường nhu cầu và nhà quy hoạch xem có phù hợp hay không.

Thừa nguồn cung nhà xã hội?

Theo thống kê của TPHCM, có 6 doanh nghiệp xin chuyển nhà thương mại sang nhà xã hội. Ở Hà Nội, số căn hộ xin chuyển đổi cũng lên đến hàng nghìn với các tên tuổi lớn trong làng địa ốc.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nếu muốn chuyển thành nhà xã hội thì Nhà nước cũng phải điều tra tín hiệu của thị trường, nếu không cũng sẽ rơi vào tình trạng cung vượt cầu.

“Hiện, công chức cỡ Vụ trưởng, lương chỉ 7 triệu đồng/tháng, được xếp vào diện mua nhà xã hội, nhưng họ vẫn có tiền cho con đi học nước ngoài. Như vậy không chắc công chức có nhu cầu mua nhà xã hội. Chúng ta phải xem xét cẩn thận. Có tình trạng nhà xã hội xây xong nhưng người dân không có tiền đóng đợt cuối hoặc đóng tiếp để nhận nhà. Ở nước ngoài, người dân chỉ phải trả không quá 30% giá trị nhà còn lại nhà nước hỗ trợ vốn và lãi suất trong vòng 20 năm. Muốn làm được nhà xã hội Nhà nước phải hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà”- ông Châu nói.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, câu chuyện nhà ở xã hội cần xem xét ở mức giá phù hợp trong khả năng chi trả của người dân. Muốn giải quyết nhà ở xã hội thì phải giải quyết câu chuyện về giá. Còn nếu xin chuyển thành nhà xã hội để lấy tiền nhà nước bù cho dự án kia thì không ổn. Đừng lấy cớ ưu đãi của nhà nước để bù cho những chủ đầu tư.

Ngọc Mai (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.