09/08/2011 6:48 AM
Cả nước hiện có rất nhiều dự án nhà ở được xây dựng nhưng chủ yếu là các dự án căn hộ cao cấp, có diện tích lớn, giá bán cao, còn các căn hộ diện tích nhỏ, giá bán phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thấp vẫn chưa được quan tâm.
Vì vậy đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án cao cấp vắng bóng người ở, trong khi những dự án nhà thu nhập thấp thì người dân phải xếp hàng dài chờ mua.

Nhà ở tại các đô thị: Sức ép ngày càng lớn
Giá nhà ở vẫn đang ở mức cao, khiến nhiều người dân có nhu cầu khó tiếp cận mua nhà.


Do nhu cầu ở rất lớn nên mặc dù thời gian qua phát triển nhà ở đạt tốc độ khá cao, nhưng vẫn còn không ít hộ gia đình vẫn đang phải sống trong các căn nhà chật hẹp, chất lượng kém. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện cả nước vẫn còn 7,42% nhà đơn sơ tương ứng với hơn 1,6 triệu căn nhà, 10,64% tổng số căn hộ có diện tích ở dưới 30m2/căn, trong đó tỷ lệ căn hộ có diện tích quá chật hẹp dưới 15m2 còn chiếm 2,38%, riêng tại khu vực đô thị là 4%. Cả nước vẫn còn hơn 770 nghìn hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân dưới 5m2/người và hơn 4,6 triệu hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân 6 - 10m2/người.


Trong tổng số trên 2.500 dự án KĐTM và dự án nhà ở đã và đang được triển khai thực hiện thì có trên 600 dự án có quy mô nhỏ dưới 20ha, số lượng dự án có quy mô lớn trên 500ha chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%. Nhiều dự án xây dựng chung cư, KĐTM chưa đủ sức hấp dẫn người dân do hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu các công trình thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, chợ… hoặc không kết nối với hạ tầng chung của đô thị nên đi lại khó khăn. Hiện tượng đầu cơ tích trữ tài sản còn diễn ra phổ biến.


Ông Bùi Tiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Sacomreel cho rằng: “Về nguyên tắc thì phải xong hạ tầng kỹ thuật thì mới được kinh doanh, nhưng nếu không có người sử dụng thì hạ tầng kỹ thuật sẽ xuống cấp, vì vậy hiệu quả xã hội không cao. Còn nếu yêu cầu phải xây dựng để ở thì ngoài việc đầu tư làm hạ tầng hoàn chỉnh về cảnh quan thì phải thêm một khoản tiền nữa để làm nhà thô, như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn cho cả người mua lẫn người bán”.


Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu về nhà ở của người dân hiện nay rất cao. Theo dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 70% dân số, tức khoảng 60 triệu dân cần nhà ở. Như vậy sức ép về nhà ở tại các đô thị sẽ ngày càng lớn. Đó là chưa kể, với tốc độ phát triển các KCN và các cơ sở đào tạo như hiện nay đòi hỏi phải có nhiều triệu mét vuông nhà ở đáp ứng nhu cầu của công nhân và học sinh, sinh viên.


Lý giải vì sao có nhiều biệt thự bỏ hoang, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Do nhà đầu tư một mặt không đánh giá đúng năng lực, nhu cầu của thị trường, mặt khác không đủ tiềm lực tài chính để hoàn thành dự án của mình. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu, đôi khi không hấp dẫn được người dân do ở xa nội thành, chậm kết nối với hạ tầng kỹ thuật xung quanh, cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho nhà đầu tư chưa chuẩn xác... cũng là nguyên nhân khiến cho dự án vắng bóng người. Đầu cơ chờ thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án trở thành TP “ma”. Biện pháp xóa bỏ hình thức chia lô bán nền nhằm xóa bỏ hình thức đầu cơ trong thị trường BĐS mà Bộ Xây dựng mới trình Chính phủ tuy không mới vì đã được quy định trong Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhưng do các địa phương vẫn chưa thực hiện triệt để, không chú trọng công tác hậu kiểm nên các DN vẫn tìm mọi cách lách luật. Hậu quả là hàng loạt các dự án nhà ở được xây dựng nhưng không hình thành được đô thị.


Theo TS Lê Thẩm Dương - Đại học Ngân hàng TP.HCM thì: Về lâu dài, Nhà nước cần quản lý BĐS bằng một chế tài đủ mạnh để hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng đầu cơ BĐS như thời gian vừa qua. Chế tài đó có thể dùng chính sách thuế đánh mạnh vào việc sở hữu các sản phẩm BĐS… Mặt khác các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như: In địa lý trong quản lý để quản lý BĐS chứ không nên quản lý trên giấy như hiện nay. Trong quy hoạch cần phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn thì mới không mất thời gian, tiền bạc của cả nhà đầu tư lẫn nhà nước chứ không nên duyệt quy hoạch từng khu như hiện nay.

Theo Cao Cường (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.