22/11/2012 8:31 PM
Kỳ I: “Tàng tích” một thời huy hoàng
Vùng đất mỏ Quảng Ninh là một trong những cái nôi xuất xứ của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc cho đến nay, những người công nhân mỏ vẫn luôn phát huy được truyền thống, vai trò cách mạng của người lao động.

Có một thực trạng, cuộc sống, sinh hoạt của người công nhân mỏ cũng như bao người thợ khác đều “lúc thăng, lúc trầm” với nền kinh tế. Với trên 11 vạn công nhân lao động thì con số 10% lao động đã có nhà ở thật là con số khiêm tốn. Chủ trương “trích thưởng” lại cho người lao động từ thành quả sản xuất kinh doanh để những người làm ra của cải có điều kiện sinh sống tốt, ổn định, an sinh xã hội là việc cần phải làm ngay và ý tưởng đó đang bắt đầu từ ngành than.


Các khu nhà tập thể công nhân than ở P.Cẩm Thủy đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cái nôi công nhân khi được nói đến phải là vùng đất Cẩm Phả. Vào những năm 1960, trong thời kỳ xây dựng XHCN vừa đánh Mỹ, vừa dựng xây đất nước, Chính phủ thời kỳ đó đã cho dựng xây những khu tập thể đẹp như “trong mơ”, nhưng rồi thời gian dần trôi theo tháng năm, những khu tập thể này đã dần xuống cấp và đang mong chờ có một luồng gió mới sau 50 năm thăng trầm cùng người lao động.

Nhà nhiều… không

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hà (55 tuổi), công nhân Cty Chế tạo máy Vinacomin, một trong những hộ dân sinh sống tại khu tập thể nhiều không, thuộc tổ 3, khu 7, P.Cẩm Thủy tự hào nói: Là công nhân mỏ với nhiệm vụ lắp đặt, vận hành thiết bị mỏ nên ngay từ những năm 1979 - 1980, khi mới được vào làm việc anh em nào phải là lao động giỏi, lao động xuất sắc mới được đơn vị bố trí cấp chung phòng để ở. Hồi đó, cứ 6 - 8 anh em chung 1 phòng. Đi làm theo kíp, cứ 1 ngày có 4 kíp, mỗi kíp khoảng 6 giờ làm việc, anh em cứ thế ào ạt đi làm. Ông Hà cũng như họ, miệt mài hăng say. Đến buổi chiều, anh em hăng hái đem bóng chuyền ra sân phía trước để tập thể dục, nghỉ ngơi, ăn cơm theo kẻng. Dần dần chuyển sang cơ chế thị trường, sang khoán, anh em có được rảnh rỗi hơn nhưng vẫn theo nếp cũ. Khu nhà tập thể ở đây cũng vậy, có hàng chục đời công nhân sinh sống, người về, người ở, luân phiên nhau. Cũng vì cái cảnh “cha chung không ai khóc” nên dần dần khu tập thể bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng và ọp ẹp.

Dẫn chúng tôi đi xem, ông Vũ Văn Trãi, 75 tuổi cho biết: Nói thật, đến nay đã hơn 50 năm sinh sống ở đây, tôi thấy khu nhà xuống cấp quá rồi. Khu tập thể này được chia làm bốn khu A - B - C - D, nhưng bà con quen gọi là “khu nhiều không” là do thiếu nhiều thứ quá; thiếu nhà vệ sinh riêng, thiếu an toàn, thiếu đường thoát nước thải, thiếu công trình phụ riêng biệt… Vì là 4 khu nên được Tập đoàn Than khoáng sản Vinacomin phân chia cho nhiều đơn vị khác nhau, 1 khu là của Cty than Dương Huy, một phần là Cty 397 - TCty than Đông Bắc, một phần là của Cty Chế tạo máy. Cũng theo ông Trãi, những năm 70 của thế kỷ trước khu này từng xếp hàng “tốp ten” của cả nước về đầu tầu gương mẫu và an sinh cho người lao động. Nhà cửa trải qua nhiều năm nên đã quá xuống cấp và chờ ngày… sập. Nếu như không có quyết sách gì thì cuộc sống của người công nhân sớm muộn gì cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiểm họa chầu chực

Ông Nguyễn Văn Tân, công tác tại TCty Than Đông Bắc (đã nghỉ hưu) cho biết: Chúng tôi đã có nhiều năm lao động ở đây, nhận sổ xong vẫn sinh sống trong căn tập thể thanh lý của Cty, nỗi lo nhất của chúng tôi hiện nay là sập nhà. Nhưng không ở đây, gia đình cũng chẳng biết “đi đâu, về đâu” nên vẫn cố ở chờ ngày có một phép màu nào đó. Ông kể, cách đây chừng 4 tháng, nhà chị Vũ Thị Nguyệt sống ở tầng 3 khu nhà C đã phải hốt hoảng khi cả gia đình đang ăn cơm thì tấm bê tông trần nhà rơi xuống.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong năm năm qua, thấy khu nhà càng lúc càng xuống cấp, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Vinacomin đã bắt đầu di chuyển một phần cư dân của tòa nhà đi ở nơi khác. Hầu hết cả tầng 4 của các tòa nhà đều đã chuyển đi, ở lại chủ yếu là những người công nhân có tuổi và ở các tầng thấp. Kết cấu của các tòa nhà tuy còn tương đối tốt, nhưng là kiểu nhà lắp ghép ngày xưa, dùng tấm panen bê tông đổ sẵn ghép lên nên sau 50 năm, những tấm panen này đã tự phá hủy dần cộng với lượng người đi lại, sinh hoạt quá lớn nên xuống cấp nhanh chóng.

Đi vào các hộ gia đình, hộ nào cũng gia cố lại bằng cách dùng tấm gỗ ép đóng chặt lên làm trần, vừa chống vữa rơi, vừa để đẹp và sạch hơn. Nhưng hầu hết các gia đình đều bất tiện vì các căn hộ tập thể này đều chừng từ 20 - 26m2, không có công trình phụ trong nhà nên từ nhà tắm, nhà vệ sinh đều dùng kiểu tập thể. Một số người ngăn luôn một góc của phòng ở là chỗ tắm giặt, bởi thế nước thải lại xối từ trên cao xuống cái sân phía trước, gây mất thiện cảm với nhà phía dưới cũng như ẩm mốc xuất hiện và mùi nước thải bốc lên khó chịu. Nhiều người không chịu nổi đã phải dọn đi thuê nhà để ở, chờ ngày Cty xây mới.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Đức - Tổ trưởng cho biết: Phía UBND P.Cẩm Thủy đã nhiều lần họp và yêu cầu các đơn vị có công nhân ở cần phải chú trọng, kiểm tra liên tục độ vững, độ bền của tòa nhà để sắp xếp, nếu có dấu hiệu nguy hiểm là phải sơ tán ngay. Về lâu, về dài, những hộ dân, những khu tập thể này đều phải dỡ bỏ và xây mới lại thì mới an toàn được.

Theo Đà Giang - Nam Long (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.