Tại các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Làm sao để đô thị hóa không đồng nghĩa với việc người dân bị bần cùng hóa sẽ còn là một câu hỏi khó...

Nhà nông không… đất

Tại nhiều vùng ven đô, sẽ không còn cảnh yên bình như thế này nữa.

Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa là quá trình tất yếu. Nhưng làm sao để đô thị hóa không đồng nghĩa với việc người dân bị bần cùng hóa? Nếu không giải quyết thấu đáo vấn đề việc làm cho lao động bị thu hồi đất thì hậu quả để lại sẽ rất nặng nề và tiềm ẩn những bất ổn cho xã hội.

Tốc độ mất đất nông nghiệp ngày càng nhanh

Xã An Khánh, Hoài Đức có 350/510ha đất sản xuất nông nghiệp đã bị thu hồi để chuyển sang làm các dự án công nghiệp, đô thị. Hơn 100 ha còn lại tới đây cũng tiếp tục chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Viễn cảnh “nhà nông không đất” đã hiển hiện khi tại 4/5 thôn, người dân đã không còn đất canh tác; nhiều hộ dân không có việc làm và phải lo chạy ăn từng bữa.

Khi không còn làm nông nghiệp nữa, mỗi ngày có hàng ngàn lao động của xã An Khánh đi theo các kíp thợ xây dựng hoặc đi buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, số người tự xoay xỏa tìm việc như trên cũng chưa bõ bèn gì so với con số khoảng 5.000 người của xã An Khánh đang thiếu việc làm hiện nay.

Việc người dân làm nông nghiệp không còn đất canh tác không phải là chuyện riêng của một xã, một huyện nữa. Cơn lốc đô thị hóa đã khiến cho đất nông nghiệp thu hẹp với tốc độ ngày càng nhanh, đặc biệt là đối với các xã, phường vùng ven đô. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm trung bình quận này thu hồi 290 ha đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 97,8%. Cùng với đó, sẽ có 34.933 hộ dân sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Diện tích đất nông nghiệp của quận ngày càng bị thu hẹp trong khi đó số người trực tiếp sống bằng nghề nông chưa thể giảm ngay, hiện vẫn chiếm 44,76% tổng dân số toàn quận. Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp của quận còn khoảng 600 ha nhưng dự kiến đến năm 2015, 100% diện tích đất nông nghiệp trên sẽ tiếp tục bị thu hồi.

Theo số liệu mới đây của Viện Nghiên cứu định cư (Bộ Nông nghiệp & PTNT), hàng năm, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho phát triển công nghiệp khoảng trên 70.000 ha, cho phát triển đô thị khoảng 10.000 ha. Chỉ tính riêng một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Ninh Bình, số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho phát triển công nghiệp trong những năm vừa qua đã lên hàng chục nghìn ha (Bắc Ninh: gần 2.000 ha, Hải Phòng: gần 4.000 ha). Trong quy hoạch từ nay đến năm 2020, tại một số tỉnh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi có thể tăng lên gấp đôi con số trên.

Trung bình mỗi ha đất thu hồi sẽ khiến 14 người nông dân bị mất việc làm, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm qua đã tác động tới đời sống của khoảng 2,5 triệu nông dân. Một số liệu khác của Viện này cho thấy, tại một số vùng ven đô của đồng bằng sông Hồng, trước khi thu hồi đất chỉ có 10% lao động đi làm thuê thì sau khi thu hồi đất tỷ lệ này là 17%.

Riêng đối với TP Hà Nội, theo một con số thống kê của Sở LĐTBXH vào cuối năm 2010, thành phố hiện có khoảng 40.000 lao động do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp bị mất việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, con số người thất nghiệp do bị thu hồi đất có thể lớn hơn nhiều.

Được cá, mất cần

Trên thực tế, khi bị thu hồi đất, người nông dân được nhận một khoản tiền đền bù. Số tiền này nhiều khi rất lớn, và những tưởng người nông dân sẽ “đổi đời”. Nhưng do chưa biết cách quản lý đồng tiền nên thường thì chỉ ít thời gian sau nhiều hộ dân lại rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí còn túng quẫn hơn trước. Tình trạng người nông dân ở trong những ngôi nhà khang trang, tiện nghi sinh hoạt phải nói là khá đầy đủ nhưng lại phải chạy ăn từng bữa là chuyện khá phổ biến ở những nơi bị thu hồi đất.

Nhà nông không… đất

Người dân Cự Đà, Cự Khê (Hà Nội) phá nhà cổ, xây nhà mới khi có tiền bồi thường đất.

Cuối năm 2010, nhiều hộ dân ở xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội nhận được tiền đền bù của dự án khu đô thị Thanh Hà, số tiền lên đến vài tỷ đồng. Lập tức họ chia cho con cái, mua sắm xe cộ, phương tiện nghe nhìn, xây sửa nhà cửa… Cả xã có thời điểm ngổn ngang như một công trường xây dựng vì nhà nhà đều mua sắm, xây dựng. Ai nấy đều hồ hởi, nhưng nhìn cảnh đó, ông Chiêu, một cán bộ về hưu ở địa phương chua chát nói: “Ba năm nữa mới biết ai giàu, ai nghèo!”

Ở thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, Quốc Oai có 408/618 hộ thuộc diện thu hồi đất, hộ nhiều bị thu hồi 100% diện tích, hộ ít nhất cũng trên 30%. Theo một báo cáo của lãnh đạo thôn Đồng Bụt, chỉ có khoảng 40% người dân sử dụng tiền đền bù vào việc kinh doanh dịch vụ, phát triển chăn nuôi; 40% số hộ đầu tư vào xây, sửa nhà cửa và 20% số hộ chi tiêu mua sắm, thậm chí có trường hợp ném vào cờ bạc. Đáng lo ngại là số hộ nghèo không giảm mà còn tăng lên, dù cho có hàng tỷ đồng tiền đền bù rót vào địa phương này. Năm 2006, toàn thôn có 40 hộ nghèo thì năm 2007 tăng lên 60 hộ và hiện nay là 87 hộ (chiếm 14% tổng số hộ của thôn). Nhiều hộ đang có nguy cơ tái nghèo do không có việc làm, tệ nạn xã hội xuất hiện nhiều hơn...

Cách nay gần chục năm, nhiều xã vùng ven của huyện Từ Liêm được đền bù hàng trăm tỷ đồng, nhiều gia đình được đền bù một vài tỷ. Và bây giờ nhìn lại, dấu ấn làng lên phố còn đó với những ngôi nhà khang trang, lòe loẹt ở Nhân Mỹ, Phú Mỹ (Mỹ Đình); Phú Đô (Mễ Trì); nhưng những hệ lụy của đồng tiền để lại cũng rất nặng nề. Bây giờ ở bất kỳ đâu trong những ngôi làng này cũng dễ dàng thấy cảnh nhiều thanh niên hàng ngày không có việc gì ngoài việc rủ nhau tụ tập đánh bài. Vào giờ lô đề, các hàng quán đông đúc người tụ tập, chúi đầu bên cuốn sổ kết quả mà không thèm màng tới làm ăn. Ở đây cũng có thể tìm được danh tính hàng chục tỷ phú có tên tuổi với những thành tích ăn chơi, cờ bạc khét tiếng bây giờ trắng tay, nghèo túng. Nghiện hút và nhiều tệ nạn xã hội khác đến cùng tiền đền bù nhưng nó không ra đi nhanh như những đồng tiền kia mà ngược lại, nó vẫn ở lại và tác oai tác quái khi những người nông dân đã trở nên khánh kiệt.

Chồng chéo và lúng túng

Mặc dù thành phố và các địa phương đã có nhiều cố gắng để giải quyết việc làm cho những người nông dân bị thu hồi đất nhưng kết quả mang lại vẫn chưa được bao nhiêu. Một trong những giải pháp của chính quyền nơi có đất bị thu hồi đó là yêu cầu người chủ sử dụng đất mới phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Tuy nhiên, với một lời hứa thì khó có thể ràng buộc được doanh nghiệp. Bà Phan Lệ Xiêm, Phó ban Kinh tế (Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng: “Nhiều nông dân thiếu việc làm có nguyên nhân từ sự thất hứa của các chủ sử dụng lao động. Trước khi đầu tư, chủ doanh nghiệp hứa sẽ sử dụng lao động tại địa phương nhưng thực tế tỷ lệ này rất thấp”.

Còn theo ông Đỗ Văn Gốc, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp, trước khi thu hồi đất, nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc, nhưng thực tế số lao động được tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có cả nghìn lý do khi doanh nghiệp từ chối tuyển nông dân địa phương như: Lao động chưa tốt nghiệp THPT, tuổi đã quá 35… Có doanh nghiệp vì sức ép phải nhận nông dân vào làm việc nhưng cố tình giao cho họ những việc khó hoặc trả lương thấp. Do đó, sau một thời gian, người lao động phải tự bỏ nhà máy vì chán nản hoặc do không thể đáp ứng được công việc.

Một giải pháp khác là chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tổ chức các lớp dạy nghề cho người lao động. Thành phố đã đưa Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất với nguồn vốn ban đầu là 50 tỷ đồng nhằm dạy nghề cho nông dân.

Tuy nhiên, phần lớn những đối tượng nằm trong diện được dạy nghề lại không mấy mặn mà với những nghề được dạy. Lấy ví dụ: Năm 2010, xã An Khánh đã mở hai đợt tuyển sinh dạy nghề may công nghiệp, trồng hoa cây cảnh, điện dân dụng và hàn tiện... Mặc dù được đào tạo miễn phí, hỗ trợ tiền ăn trưa, song tuyên truyền, vận động mãi vẫn chẳng ai đăng ký đến học.

Anh Khải, người dân thôn Phú Vinh (An Khánh) nói: “Tôi cũng muốn học làm cây cảnh nhưng cách dạy lâu quá, sốt ruột”. Có thể thấy, ngoài việc dạy những nghề “theo danh mục” không phù hợp với nhu cầu, khiến người dân không hứng thú còn có việc chương trình dạy còn nặng tính lý thuyết, khó nhớ, không phù hợp với người nông dân vốn quen học theo kiểu truyền nghề, cầm tay chỉ việc.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị thu hồi đất có sự tham gia của các ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Nông nghiệp & PTNT, các đoàn thể… Tuy có nhiều ngành lo nhưng không vì thế bài toán việc làm được giải quyết tốt mà còn có sự chồng chéo, mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp hiệu quả.

Có lẽ chính vì những nguyên nhân trên mà trong mấy năm qua, tỷ lệ nông dân được học nghề và có việc làm mới rất thấp. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2008 đến nay, trong số khoảng 130.000 lao động được giải quyết việc làm hàng năm, thì số lao động ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5,5%- khoảng trên dưới 7.000 người. Số lao động nông nghiệp bị thu hồi đất được đào tạo nghề còn thấp hơn nhiều, chỉ khoảng trên dưới 1.000 người mỗi năm.

Ðược biết, hiện nay Hà Nội đang chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai nhiều kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho nông dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Các quận, huyện, thị xã đang tiến hành công tác điều tra, tổng hợp số liệu, xác định mô hình điểm về dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, những tồn tại lâu nay trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không dễ sẽ được giải quyết ngay và bài toán vốn bế tắc lâu nay chưa thể sớm có lời giải.

Ông Nguyễn Hữu Việt, xã Phú Diễn, Từ Liêm: Từ ngày có tiền đền bù, ai cũng lười đi, không muốn động tay vào việc gì. May là địa phương chúng tôi gần trường học, gia đình tôi có gần chục phòng trọ cho sinh viên thuê nên cũng có thu nhập để tùng tiệm sống qua ngày”.

Chị Tạ Thị Thanh, bán hàng rong, quê ở huyện Đan Phượng: Nhà tôi bị thu hồi ba sào, hơn một nửa số ruộng khoán nên phải chạy chợ thêm. Bán hàng vất vả lắm, thức khuya dậy sớm, lo nghiện ngập xin đểu, lo công an đuổi mà mỗi ngày chỉ kiếm được hơn trăm nghìn thôi”.


Theo Thế Vũ (Nhà báo & Công luận)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0