Lạm phát, lãi suất tiếp tục cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, trong khi các dự báo liên tục thay đổi. Mọi gánh nặng này đang đè lên các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là bất động sản

Hiện lãi suất DN có thể tiếp cận vẫn phổ biến là 20-25%

Có nhiều người đặt câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ có đem lại nhiều hiệu quả cho thị trường không. Thực tế, trong thời gian qua, xu hướng người dân rút USD ra khỏi ngân hàng (NH) do tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong khi lãi suất huy động ở mức 2%.

Thêm vào đó là giá vàng tăng mạnh, một phần người dân đã dùng ngoại tệ để mua vàng. Nếu tiến trình vay ngoại tệ tiếp tục tăng nhanh, nguy cơ tỷ giá sẽ tăng cực mạnh và bất ổn NH nâng cao.


Việc NHNN tiến hành can thiệp, giảm cho vay ngoại tệ bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm rút một lượng tiền ngoại tệ về. Đồng thời, động thái này cũng là một bước chuẩn bị để NHNN tung tiền VND để khuyến khích NHTM cho vay VND nhiều hơn ngoại tệ.


Như vậy, tỷ giá hiện nay vẫn còn thấp, nên tỷ giá tăng là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, nếu tỷ giá có được sự linh động để có thể tăng một cách tự nhiên thì sẽ không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.


Nếu NHNN cố gắng dùng biện pháp hành chính thì sẽ gây nên căng thẳng tỷ giá. Trong một giai đoạn nào đó tỷ giá tăng đột biến gây nên tâm lý bất ổn, chứ còn về tỷ giá tăng là điều hợp lý.


Do không vay được tiền đồng với lãi suất thấp nên doanh nghiệp (DN) mới vay USD, nay NHNN siết luôn kênh này tạo thêm khó khăn. Như đã nói, việc vay và cho vay ngoại tệ sẽ khiến DN và NH rủi ro vào cuối năm. Bởi DN đang đẩy mạnh vay UDS, trong khi huy động USD của các NH giảm, có thể tạo ra sự cầu USD để trả nợ.


Mặt khác, nếu giá vàng vẫn tiếp tục tăng và NHNN cho nhập không giới hạn, thì khả năng NH sẽ tăng lãi suất cho vay USD. Như vậy, người dân thấy lãi suất tiền gửi VND giảm, sẽ chuyển VND sang USD, làm tăng cầu USD. Việc làm của NHNN đang giúp DN chứ không phải “giết” DN.


Nói như vậy không có nghĩa là NH đã có cơ sở để thoải mái về vốn vay VND. Nguồn cung tiền và tín dụng đang giảm mạnh so với năm 2010, thậm chí, giá trị huy động thấp hơn dư nợ, cho thấy NH chưa thoải mái về nguồn vốn cho vay.


Đặc biệt là các NH nhỏ đang tăng trưởng quá mạnh về tín dụng, thiên về các dự án bất động sản (BĐS) với vòng quay vốn chậm..., nên gặp khó về thanh khoản. Điều này đã khiến các NH vào cuộc đua, kéo lãi suất huy động và cho vay đều tăng. Vì điều này, khối DN nhỏ và vừa đang phải hoạt động cầm chừng vì không thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ngất ngưởng.


Nếu không được tháo gỡ thì chuyện đồng loạt phá sản sẽ diễn ra trong nay mai. Theo các DN, hiện lãi suất DN có thể tiếp cận vẫn phổ biến 20 - 25%/năm, có DN còn chịu lãi vay lên tới 40%.


Trên thực tế việc phá sản DN nhỏ không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng coi là chuyện bình thường. Như Nhật Bản có tới 70.000 DN phá sản mỗi năm và “đó là hệ quả của cạnh tranh...”.


NHNN sẽ khó có đợt cung tiền mạnh trong quý III. Do vậy, khó có khả năng giảm mạnh lãi suất. Một khi nguồn vốn vẫn bị hạn chế, sẽ có thêm DN, đặc biệt DN ngành BĐS, “âm thầm” phá sản. Trung bình mỗi năm nước ta có 25.000/597.000 DN phá sản, hiện chỉ còn hơn 356.000 DN “sống sót”.


Đa số các NH thương mại đều đã hết hạn mức tín dụng cho BĐS, chỉ một số NHNN là còn một ít chỉ tiêu. Do vậy, nguồn tín dụng tăng thêm cho BĐS là rất thấp. Như vậy, việc BĐS được đưa ra khỏi nhóm phi sản xuất chưa chắc đã giúp thị trường ấm lại.


Các dự án địa ốc tại Việt Nam, bên cạnh một phần nhỏ vốn vay NH, có phần lớn hơn là vốn góp của khách hàng. Với lãi suất cao như hiện nay, liệu có bao nhiêu khách hàng dám vay vốn mua nhà? Bao nhiêu NH sẽ duyệt xét hồ sơ cho vay mua nhà, khi nợ xấu đang tăng?


Cho tới thời điểm này chúng ta chỉ có thể khẳng định là sẽ không tăng lãi suất huy động cũng như cho vay, còn việc giảm như thế nào thì còn phải quan sát thêm. Nhưng chắc chắn lãi suất không thể nào giảm nhanh được.


Bởi lẽ, lực cho vay lớn nhất vẫn là bốn NH quốc doanh, nếu kỳ vọng 4 ngân NH được hỗ trợ của NHNN thì chắc chắn có sự hỗ trợ của Chính phủ để cho vay, còn nếu nhờ kênh huy động thông thường hiện nay của các NH mà lãi suất cho vay giảm xuống thì khó có cở sở.


Trên thế giới, nguyên nhân của mọi cuộc khủng hoảng đều xuất phát từ bất ổn của thị trường BĐS. Do đó, có thể khẳng định rằng, cùng với việc siết chặt thị trường vốn cho lĩnh vực này cũng cần cân nhắc để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không đúng nhu cầu và nhất là phải kiểm soát được giá trị khu vực BĐS mới có thể ổn định được nền kinh tế.

Theo Quỳnh Chi (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.