Tuần sau, Dự Luật Nhà ở 2014, trong đó có nội dung được đánh giá là đột phá "người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà" sẽ được Quốc hội "định đoạt". Toàn thị trường đang theo dõi sự kiện này với nhiều hy vọng.
Thực tế, ít có sự sửa đổi chính sách nào lại nhận được sự quan tâm theo dõi như phương án mở rộng chính sách cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là nội dung mang tính đột phá cho phép "cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam" được mua nhà.
Nếu điều khoản này được Quốc hội thông qua thì thị trường BĐS Việt Nam sẽ đón nhận một lực cầu rất mạnh. "Có hai vấn đề chính, thứ nhất là dòng tiền, hiện tại dòng tiền của bất động sản chôn vùi rất lâu, 4-5 năm nay chưa khai thông. Thứ hai là tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm bất động sản và người nước ngoài cũng rất là mong đợi" - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia bất động sản bình luận.
Phân tích của Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân dựa trên bức tranh thực tế của thị trường BĐS Việt Nam. Theo số liệu công bố mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/8/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước là 82.295 tỉ đồng; trong đó, tồn kho căn hộ chung cư hiện vào khoảng 17.000 căn, tương đương với 26.000 tỉ đồng. Đáng chú ý là tồn kho lớn chủ yếu tập trung vào các dự án BĐS cao cấp, căn hộ chung cư diện tích lớn.
Mở rộng cho người nước ngoài sở hữu nhà là hình thức xuất khẩu "trọn gói" tại chỗ
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, trong bối cảnh tồn kho phân khúc cao cấp đang chiếm nhiều, việc cởi mở cho người nước ngoài mua nhà chính là giải pháp hay để giải phóng hàng tồn, tháo gỡ khó khăn cho phân khúc cao cấp.
Và thị trường đang chờ đợi, với sự thông thoáng "người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh sẽ được mua nhà", Dự Luật Nhà ở sẽ mở cửa cho một luồng sinh khí mới, khơi thông thị trường.
Nhìn ở góc độ dài hơi hơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Mở thị trường nhà ở cho người nước ngoài đáp ứng được nhiều mục tiêu, trước hết là để phát triển kinh tế, và nếu phát triển kinh tế được thì chúng ta mới giải quyết được các vấn đề xã hội. Bởi người nước ngoài vào mua nhà ở Việt Nam chính là một kênh đầu tư và chúng ta xuất khẩu tại chỗ một sản phẩm mà chúng ta có khả năng làm được".
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), thị trường BĐS có vai trò quan trọng, giữ 40% của cải vật chất của cả xã hội. Các hoạt động liên quan đến BĐS như tài chính-tín dụng, xây dựng, vật liệu xây dựng, lao động...chiếm 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Tại các nước phát triển, 1 USD đầu tư vào BĐS, các ngành nghề liên quan sẽ tăng giá trị lên từ 1,5 - 2 USD.
Tại Việt Nam, giá trị của thị trường BĐS Việt Nam chiếm khoảng 5,4% GDP, xây lắp chiếm khoảng 5,3% GDP, tổng hoạt động chiếm đến 11% GDP. Nếu tính thêm tác động vào các ngành vật liệu xây dựng, tài chính - tín dụng, lao động... và các ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ phát sinh khi NNN sinh sống tại Việt Nam, chắc chắn, đóng góp của các hoạt động liên quan đến BĐS với nền kinh tế còn lớn hơn nhiều con số 11%. Thậm chí, trong trường hợp, người nước ngoài mua nhà mà không ở thì Nhà nước vẫn có thêm nguồn thu từ các loại thuế liên quan.
Như vậy, bán một căn hộ cho người nước ngoài cũng như xuất khẩu "trọn gói" ngay tại chỗ với một nguồn lợi thu về không hề nhỏ. Ở góc độ quốc gia, các điều khoản thông thoáng trong Dự luật Nhà ở sửa đổi cũng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho Việt Nam trên bình diện chung của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định: "khi cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam. Đất đai không thể mang đi nhưng dòng ngoại tệ đổ vào chắc chắn sẽ mang theo việc làm và sự phát triển, giúp tăng tổng cầu và đóng góp vào sự tăng trưởng. Và không nên vì cái sự "lo không đáng lo" - như cách nói của ông Đặng Hùng Võ mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội khai thác nguồn lợi từ việc xuất khẩu trọn gói tại chỗ này.
-
Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác?
UBND thành phố Bảo Lộc vừa báo cáo một số nội dung về sự bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
-
Hạn chót báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo về Luật đất đai (sửa đổi)
Thủ tướng ấn định thời hạn Bộ TN&MT phải trình lên dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1/4, trong đó báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. Theo thống kê của Bộ TN&MT, cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến đóng góp của người dân....
-
Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần
HoREA đề xuất không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần.