Vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong phát triển BĐS vùng
Vẫn khó với hàng tồn!
Một năm đầy rẫy khó khăn của thị trường bất động sản đang dần khép lại, nhưng thị trường vẫn chưa có những tín hiệu cho thấy sẽ sớm hồi phục. Vì thế, việc tìm ra một giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản vẫn làm đau đầu giới chuyên gia, nhà quản lý.
Theo ông Trương Trí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Thủ đô, thời gian qua, thị trường bất động sản đã nhận được nhiều kiến nghị nhằm gỡ khó đầu ra. Thế nhưng, hướng “giải cứu” bất động sản vẫn chỉ tập trung vào phía cung, nghĩa là phía doanh nghiệp, mà chưa có nhiều giải pháp kích cầu, hỗ trợ khách hàng. Trong khi đó, niềm tin của khách hàng vào thị trường đã xuống rất thấp, các giải pháp hỗ trợ phía cung có tốt đến mấy, thị trường vẫn khó hồi phục.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản chưa phục hồi vì nhiều giải pháp gỡ khó được Bộ Xây dựng đưa ra gần đây có tính khả thi không cao. Trong khi đó, một số giải pháp lại cần đến sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành, thậm chí cả việc sửa luật từ Quốc hội, nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia, để gỡ khó cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản hiện nay, mấu chốt vẫn là việc làm sao để giải phóng được lượng hàng tồn. Nút thắt này làm đau đầu không chỉ doanh nghiệp, ngân hàng, Bộ Xây dựng, mà còn thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Nhưng vì sao những giải pháp đã đưa ra chưa được triển khai trên thực tế thì vẫn là câu hỏi ngỏ.
Ông Hải cho rằng, trong việc gỡ khó cho thị trường bất động sản hiện nay, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Cụ thể, do thị trường khó khăn, thanh khoản yếu, nhiều doanh nghiệp muốn thay đổi thiết kế, thay đổi công năng các khu dân cư, khu đô thị, nhưng thay vì được các cấp chính quyền tạo điều kiện hơn, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính.
“Nóng” chốn… nghị trường!
Tuy nhiên, nếu cho rằng các địa phương thờ ơ với những nút thắt của thị trường bất động sản thì không thật khách quan. Thị trường này vốn là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, nên nó cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các địa phương.
Tại TP. HCM, chính quyền Thành phố đã đưa ra khá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và gỡ khó thị trường trong năm qua. Mới đây, Thành ủy TP. HCM tiếp tục khẳng định, trong năm 2013, Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nhiều hơn nữa để phá băng bất động sản.
Trong khi đó, tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đang diễn ra, những khó khăn của thị trường bất động sản và hướng xử lý cũng trở thành vấn đề nóng, được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể, ngay trong ngày khai mạc, rất nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã chất vấn về hướng giải quyết các dự án chậm tiến độ, dự án bất động sản bỏ hoang đang gây bức xúc dư luận.
Được biết, trước đó, việc xử lý các dự án chậm triển khai cũng đã được Bộ Xây dựng đề cập, với nhiều hướng xử lý, như một cách “gỡ khó” cho thị trường bất động sản.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh, Hà Nội đã xác định 6 nhóm giải pháp để tháo gỡ các dự án chậm tiến độ như: Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra các đơn vị được gia hạn hoàn thành dự án. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt thì sẽ được tiếp tục thực hiện dự án, nếu không thì phải thu hồi. Đối với các dự án bị bỏ hoang, Thành phố kiến nghị sẽ tăng mức phạt, bởi mức xử phạt thấp, nhiều doanh nghiệp có tâm lý để đất hoang hóa và sẵn sàng chịu phạt. Cũng theo Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh, thời gian qua Thành phố đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều thủ tục, đã đưa 511 dự án vào hoạt động, đồng thời xử phạt hành chính hơn 100 doanh nghiệp và thu hồi đất tại 45 dự án…
Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn. Nhưng đây lại là thời kỳ thị trường thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém và các dự án không có tính khả thi, để chuẩn bị một chu kỳ mới, thị trường sẽ phát triển mạnh và bền vững hơn. Trong các giải pháp hỗ trợ, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng.