Với giá bất động sản cao ngất ngưởng ở Hà Nội như thời gian qua, việc có đủ tiền để mua và sở hữu một căn nhà dù nhỏ là giấc mơ xa xỉ của nhiều người nghèo ở Việt Nam. Khi bất động sản lao dốc trong hai tháng nay, người giàu thì ồn ào kêu được cứu tiền bốc hơi, còn người nghèo, những công chức cả đời làm công ăn lương lại lên tiếng đừng cứu, chỉ mong bất động sản về đúng giá trị thực, may ra mới có nhà.

Nhà ở càng ngày càng xa xỉ

Những năm 1980, người “ung dung” nhất trong việc được sở hữu nhà là những công chức làm công ăn lương. Ở thời kỳ đó, hầu như không một công chức nào không có nhà để ở, không được phân nhà thì thuê nhà, nếu có mua nhà thì số tiền dùng để mua cũng không quá lớn. Đến thời điểm những năm 1995, giá một móng nhà 40m2 ở khu vực Thanh Xuân chỉ 30 triệu đồng, đến năm 2000, khi Hà Nội có đợt sốt đất thứ 2, giá một móng nhà 40m2 ở Thanh Xuân mới là 110 triệu đồng/m2.

Từ năm 2005 trở lại đây, người lo lắng nhất, luôn ngồi trên đống lửa về việc sở hữu nhà lại là những công chức làm công ăn lương. Năm 2010, khi Hà Nội lần đầu tiên đưa tiêu chí bán nhà thu nhập thấp cho người nghèo ở Hà Nội, nhiều người nghèo- đa phần là cán bộ công chức đã phải khóc thầm vì tiêu chí phân loại người nghèo của UBND TP. Hà Nội. Khi giá nhà ở cho người thu nhập thấp và giá nhà ở thương mại gần ngang nhau, người nghèo đã có thêm nhiều cơ hội để có thể mua được nhà, ít nhất không bị tiêu chí buộc phải có hộ khẩu ở nội thành Hà Nội mới mua được nhà thu nhập thấp- dù dự án nhà cho người nghèo chủ yếu ở nội thành.


Người nghèo ngậm ngùi ôm giấc mộng có nhà

Trong khi rất nhiều nhà biệt thự bỏ hoang thì rất nhiều người nghèo chỉ nghĩ đến việc có nhà đã khóc...


Một khảo sát nhanh của phóng viên VnMedia với những cán bộ công chức làm công ăn lương, chứ không phải các chuyên gia, nhà quản lý về bất động sản thấy rằng, các nhà quản lý, các chuyên gia đang lên tiếng “bênh” người giàu, bàn những biện pháp “cứu” bong bóng bất động sản mà không để ý đến người nghèo- những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Bạn Nguyễn Quảng Bảo ở Nghệ An chia sẻ tâm trạng với VnMedia qua địa chỉ mail [email protected], cho biết giá cả tăng cao như hiện nay thì chỉ khổ cho người dân thường, mua mớ rau cũng phải tính toán chưa nói đến mua nhà.


Bạn Mai Anh ở Hà Nội có địa chỉ mail [email protected] thì mong giá nhà còn giảm nhiều để nhiều người có đủ tiền để mua. Vì hiện giờ giá vẫn quá cao.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng diện tích nhà ở được phát triển trong năm 2010 khoảng 86,8 triệu m2 sàn, trong đó: tại đô thị khoảng 46,6 triệu m2 sàn, tại nông thôn khoảng 40,2 triệu m2 sàn. Diện tích bình quân về nhà ở đạt khoảng 17,5 m2 sàn/người, trong đó: tại đô thị là 20,2 m2 sàn/người, tại nông thôn là 16,3 m2 sàn/người.


Người nghèo ngậm ngùi ôm giấc mộng có nhà

Theo thống kê của Bộ Xây dựng giá nhà đất ở Việt Nam đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng và đứng ở mức cao

Giá cả hàng hóa bất động sản nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Theo kết quả khảo sát thực tế, giá bất động sản nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá giá trị thực của bất động sản. Giá cả bất động sản biến động không đồng đều giữa các địa phương;


Giá cả bất động sản biến động không đồng đều tại các khu vực thị trường và đối với các loại hình nhà ở. Tại khu vực Hà Nội, giá đất tăng mạnh, giá căn hộ ít biến động và đang đứng ở mức cao. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh tình hình thị trường không có biến động nhiều cả về giá và lượng giao dịch. Tại các địa phương khác thị trường biến động không đáng kể.


Một ví dụ cụ thể cho việc giá nhà ngày càng xa xỉ là năm 1995, 1 m2 đất tại Linh Đàm chỉ 3 triệu đồng, nhưng đến nay, giá đất tại Linh Đàm đã lên đến hơn 100 triệu đồng/m2; giá đất khu vực Hà Đông năm 2005 khoảng 15 triệu đồng/m2, nhưng đến nay giá đã giao động từ 40-60 triệu đồng/m2…


Người nghèo vẫn khóc thầm khi nghĩ đến nhà ở


Bạn dươ[email protected] bày tỏ, thu nhập bình quân 2020 GDP/người ở Hà Nội phấn đấu 4000$/năm thì để mua được một căn chung cứ chắc cả đời đi làm không chi tiêu gì may ra mới mua được. Vấn đề là có đạt được mức thu nhập bình quân này không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Bạn Nguyễn Thành Trung ở Hà Nội bày tỏ quan điểm với VnMedia qua địa chỉ mail [email protected] rằng, giá BĐS ở Hà Nội thời gian qua tuy có giảm nhưng chưa nhiều và giá nhìn chung mới chỉ giảm ở những khu vực xa trung tâm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn thiếu và trong nhiều trường hợp nếu người mua có đến ở được thì cũng phải vài năm nữa. Những khu vực có cơ sở hạ tầng tương đối tốt chẳng hạn như Linh Đàm & Văn Quán thì giá vẫn rất cao, có thể tới gần 40 triệu đồng/m2 chung cư!.


Người nghèo ngậm ngùi ôm giấc mộng có nhà

Bạn Trung chua xót hỏi rằng: “Tôi cho rằng giá BĐS ở Hà Nội có giảm đến 70% nữa so với mặt bằng giá của tháng 7/2011 thì vẫn là quá cao so với mức thu nhập của đại đa số người dân. Tôi cho rằng số hộ gia đình ở Hà Nội có thu nhập chính đáng mà để dư ra được khoảng 30 triệu/tháng sau khi đã trừ đi tất cả các loại chi phí sinh hoạt hàng ngày là không nhiều. Với số tiền này thì bao giờ mới có thể mua được 1 căn hộ chung cư 75m2 ở Linh Đàm? Chưa kể đến ngay tại trung tâm Hà Nội số người làm công ăn lương thông thường thì lương tháng cũng chỉ khoảng 3-5 triệu/tháng. Với số tiền này thử hỏi với mức giá cả như hiện nay liệu có đủ sống cuộc sống tối thiểu không?”


Bạn Nguyễn Văn Dương ở 324 Tây Sơn - Đống Đa - Hà Nội cho rằng, câu chuyện cứu BĐS Hà Nội, là câu chuyện bơm tiền hợp pháp cho những giá trị lợi ích đầu cơ. Một phương pháp hữu hiệu nhất để thị trường BĐS Hà Nội hoạt động một cách phù hợp nhất là Chính phủ nên đưa ra định mức lợi ích thực tế cho mỗi đơn vị sản phẩm bất động sản kinh doanh và giám sát thật chặt. Chỉ khi nào cơ chế hai giá của Bất động sản được phá vỡ lúc đó thị trường mới tiệm cận tới danh từ đích thực và hoàn hảo. Nếu chỉ tập trung lợi ích vào các nhà đầu cơ, đầu tư thì không bao giờ có ngưòi dân có thể mua đc nhà.


Cũng theo phân tích, về bản chất thì BĐS không tạo ra giá trị gia tăng nếu ta không đầu tư tiền của vào nó để tạo ra sản phẩm cụ thể phù hợp với nhu cầu có thể thanh toán của thị trường. Nếu cứ để BĐS tăng giá cực kỳ vô lý như những năm qua thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Cụ thể là giá BĐS tăng chóng mặt sẽ khiến gần như cả xã hội lao vào đầu tư, đầu cơ BĐS thay vì bỏ tiền vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh khác để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị ra tăng cho xã hội, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, làm méo mó nền kinh tế, gây bất bình trong xã hội và gây ra nhiều tệ nạn xã hội khác.


Chúng tôi xin trích một ý kiến của bạn đọc gửi đến VnMedia để kết bài viết này: Rất mong các nhà lãnh đạo liên quan hãy vượt qua chính mình, vì lợi ích của số đông người dân mà hãy mạnh tay can thiệp để giá BĐS trở về gần với giá trị thực, để bất động sản phát triển lành mạnh. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp mà các nước khác đã thực hiện thành công chẳng hạn như dùng các công cụ thuế để đánh vào giới đầu tư và đầu cơ, cho người dân sở hữu nhà thoải mái nhưng cứ đánh thuế lũy tiến, càng có nhiều nhà thì càng phải trả nhiều thuế, ngôi nhà thứ 3 thì sẽ phải trả mức thuế cao hơn ngôi nhà thứ 2, đấu thầu dự án công khai chứ không phải là xin-cho như hiện nay, yêu cầu các chủ đầu tư công khai dự án... Làm như vậy nhà nước vừa thu được rất nhiều thuế cho ngân sách, vừa góp phần đưa giá BĐS về giá trị thực, giúp cho thị trường phát triển lành mạnh, tránh được việc hàng trăm tỷ Đô la đang bị trôn vào đất thay vì được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi…

Theo Thanh Hường (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.