30/03/2017 8:31 AM
Hàng loạt dự án “treo” trên địa bàn TP.HCM đã được chính quyền TP xóa sổ và điều chỉnh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho người dân. Hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng sẽ có cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, được sửa chữa nhà ở và giải tỏa bức xúc từ nhiều năm nay.
Hàng loạt dự án “treo” bị xóa sổ
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện nay TP.HCM còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã án binh bất động hơn 20 năm.
Dự án “treo” kéo dài đã khiến không ít người dân rơi vào tình cảnh có đất nhưng không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Đường sá ở các khu quy hoạch “treo” cũng rơi vào hoàn cảnh không được nâng cấp, cải tạo.
Nhằm giải quyết những quy hoạch kéo dài, UBND TP.HCM đã chấp nhận đề xuất điều chỉnh quy hoạch của 23 quận huyện (huyện Bình Chánh chưa trình). Hiện tại, các quận huyện đang rà soát, thực hiện điều chỉnh.
Nhờ quyết định này, từ đầu năm 2017, hàng loạt dự án “treo” trên địa bàn TP.HCM đã được chính quyền TP điều chỉnh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho người dân.
Cụ thể, vào giữa tháng 3 vừa qua, hàng loạt lô đất, tuyến đường tại quận Tân Phú đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phù hợp với hiện trạng thực tế. Trong số này, hầu hết là các ô phố đã được quy hoạch thành đất công viên cây xanh, đất công trình công cộng, đất giáo dục, đất hỗn hợp, thương mại dịch vụ và đường giao thông.
Cuối tháng 2.2017, dự án khu dân cư Him Lam và khu chức năng 11B trong khu đô thị Nam TP.HCM ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh “treo” gần 20 năm nay đã được UBND TP.HCM chấp thuận xóa bỏ, điều chỉnh ranh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng. Hai dự án này có tổng quy mô lên đến gần 70ha.
Đáng chú ý, tại địa bàn huyện Bình Chánh, ngoài hai dự án trên thì còn nhiều dự án “treo” nhiều năm và không có khả năng triển khai như dự án khu dân cư Thăng Long (37ha), khu chức năng 11A (59 ha)… Để giải quyết những dự án trên, huyện Bình Chánh và Ban Quản lý khu Nam cũng đã kiến nghị TP cho phép điều chỉnh quy hoạch và tiến hành chỉnh trang để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Trong khi đó, tại quận Bình Tân, hơn 20 tuyến đường đã được Sở Quy hoạch -Kiến trúc chấp thuận xóa quy hoạch vì không khả thi do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn.
Tại huyện Nhà Bè, vừa qua, khu dân cư ấp 4 cũng được TP điều chỉnh quy hoạch từ đất chung cư cao tầng sang đất dân cư thấp tầng. Còn tại huyện Hóc Môn, do không thể triển khai xây dựng, UBND TP.HCM đã quyết định thu hồi 2 dự án quy hoạch khu công nghiệp là Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng thành điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp. Cùng chung cảnh ngộ, dự án khu công nghiệp Bàu Đưng (huyện Củ Chi) cũng được TP điều chỉnh quy hoạch tương tự như 2 dự án trên.
Xây dựng đô thị cần có sự đóng góp của người dân
Mặc dù việc chấp thuận xóa bỏ hàng loạt dự án “treo” của UBND TP.HCM đã giúp hàng triệu hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên có cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, được sửa chữa nhà ở và giải tỏa bức xúc từ nhiều năm nay, thế nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho rằng quy trình điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch hiện còn rất chậm.
Trao đổi Báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói rằng TP.HCM cần triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn thì mới có kết quả rõ rệt. Một số quy hoạch “treo” nếu không thực hiện được sẽ gây tổn thất trong hướng phát triển chung của TP.
“Ví dụ như khu đất đó mình dự kiến xây dựng khu đô thị mới có đủ tiêu chuẩn nhưng lâu quá không thực hiện được thì người dân sẽ xây dựng tự phát, tạo ra một khu dân cư lụp xụp, không đồng bộ. Nếu đủ năng lực, lẽ ra chúng ta phải giải tỏa toàn khu lụp xụp đó để phát triển đô thị. Thế nhưng TP chúng ta không đủ năng lực, mà người dân thì không thể chờ mãi chuyện đó nên Nhà nước điều chỉnh lại mục tiêu quy hoạch đối với những khu như vậy”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), trước đây TP đã quy hoạch vùng đất này nằm trong dự án Nam Sài Gòn theo hướng khu đô thị hoàn chỉnh, đẹp nhưng giờ lại chia lô bán nền, xây trái phép mà Nhà nước không có cách nào mà giải tỏa được. Người dân thì càng càng càng tăng lên, mà đền bù thì rất nặng nề, trong khi không có doanh nghiệp nào làm được. Hiện nay TP quyết định điều chỉnh lại theo hướng cho người dân tự làm, tự giải tỏa, tự chỉnh trang thành khu dân cư cải tạo, hỗ trợ người dân trong cuộc sống.
“Tuy nhiên, tôi cho đây là một bước lùi do mình không đủ năng lực nên khu cải tạo không thể hoàn chỉnh, tốt đẹp bằng khu đô thị mới được”, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định.
Ông Võ Kim Cương cho rằng hiện tại những khu vực không thực hiện được thì TP thu hồi dự án để kêu gọi đầu tư. Thu hồi này không phải thay đổi quy hoạch mà thay đổi chủ đầu tư. Một số dự án không kêu gọi được chủ đầu tư thì điều chỉnh mục tiêu quy hoạch. Thế nhưng, các khu đô thị cải tạo sẽ khó khăn trong việc đầu tư cho công trình công cộng như trường hợp không có đất để xây dựng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo…
“Nhà nước phải có đầu tư. Đường sá ở các khu cải tạo thường chỉ có đường hẻm, mà khu đô thị thì phải có đường lớn, đường nhỏ, đường hẻm để giao thông được thông suốt. Vì vậy, Nhà nước phải điều chỉnh đất để có những công trình như vậy, phải giải tỏa một phần đất, thế nhưng câu hỏi đặt ra là kinh phí ở đâu ?
Theo tôi, đối với các khu cải tạo, muốn được như khu đô thị hoàn chỉnh thì người dân phải đóng góp tiền để Nhà nước mở đường, như vậy mới công bằng. Bởi lẽ, ở các khu dân cư mới, được quy hoạch rõ ràng thì khi người dân bỏ tiền mua nhà thì phải bỏ tiền ra mua hạ tầng của khu dân cư đó. Giá đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu dân cư này đã được tính trong giá nhà ở. Do đó, việc này Nhà nước phải quyết tâm, quyết liệt, phải làm cho dân hiểu xây dựng đô thị phải có đóng góp của người dân”, ông Cương nói thêm.
Phan Diệu (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.