Đồ án Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt, trong đó dự trù kinh phí cho việc thực hiện đồ án này đến năm 2020 là khoảng 13.000 tỷ đồng, đến năm 2030 vào khoảng 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người sống ở Hà Nội vẫn lo chết không biết chôn ở đâu.
Những công viên nghĩa trang đẹp như Lạc Hồng Viên vượt quá khả năng chi phí của nhiều người nghèo đô thị.
Gia đình bà Hoàng Xuân (Hoàng Mai, Hà Nội) sau một hồi chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ cho người khuất đành phải đưa người nhà mình về quê. “Nghĩa trang làng quanh Hà Nội chỉ nhận người làng, mà các nghĩa trang xen kẽ khu dân cư rồi mai này cũng phải di dời vì ô nhiễm. Nghĩa trang Yên Kỳ chỉ người quen mới “xin” được suất. Cuối cùng, gia đình tôi phải đưa người nhà về quê, may mà quê tôi chỉ cách Hà Nội 150km.
Nhưng, như thế này cũng không ổn, vì tôi già cả rồi, các con thì đều quá bận rộn, việc thăm nom, chăm sóc mộ phần cũng không tiện. Mà nghĩa trang ở quê là nghĩa trang làng, cũng không có ai hương khói, lau chùi như ở các nghĩa trang được quy hoạch chuyên nghiệp” – bà Xuân phàn nàn.
Nghĩa trang đẹp không dành cho người nghèo
Trường hợp như gia đình bà Xuân không hiếm vì Hà Nội có rất nhiều người từ các địa phương đến lập nghiệp, trong đó có những người quê rất xa, và không phải nhà ai cũng “ăn nên làm ra”.
Xung quanh Hà Nội có nhiều nghĩa trang lớn, như Văn Điển, Yên Kỳ… và hàng chục nghĩa trang làng xen kẽ trong các khu vực dân cư nội thành và ngoại thành. Thế nhưng lâu nay, đối với nhiều gia đình, có một nơi an nghỉ cho người khuất cũng nan giải không kém so với việc tìm chỗ an cư cho người sống. Nghĩa trang nào cũng “đầy” nên nếu không phải “người làng” thì phải là người có quan hệ mới mong “xin” được một suất ở “nghĩa trang công”.
Trong khi đó, ở các công viên nghĩa trang hiện đại như Lạc Hồng Viên hay Vĩnh Hằng thì mức giá cũng khá cao so với thu nhập của nhiều gia đình. Ví như ở Lạc Hồng Viên, mức giá từ 35-40 triệu đồng mỗi suất nhưng hầu như đã kín chỗ sau 3 năm nghĩa trang được đưa vào sử dụng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 1.247ha (tại khu vực đô thị là 1103ha và 144ha dành cho khu vực nông thôn). Tuy nhiên, người dân đã bày tỏ băn khoăn khi theo đồ án trên, nhiều nghĩa trang mới sẽ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa đầu tư, ví dụ như nghĩa trang Thanh Tước - Mê Linh, hay nghĩa trang Yên Kỳ 2, nghĩa trang Vĩnh Hằng, nghĩa trang Minh Phú.
Thực tế cho thấy, nghĩa trang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, hoặc nghĩa trang được các chủ đầu tư xây dựng kinh doanh, đều là những nghĩa trang đẹp, vị trí hợp lý, dịch vụ chu đáo, nhưng cũng là những nghĩa trang có chi phí ngoài “tầm với” của người thu nhập thấp.
Phải đảm bảo có nghĩa trang cho người thu nhập thấp
Trong khuôn viên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) có khu đất dành cho người khu vực Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan. Một nhân viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho chúng tôi biết, đã có chừng 40 mộ di dời từ nghĩa trang Đống Lò (nghĩa trang Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan).
Khi tìm hiểu về khu vực nghĩa trang riêng này, chúng tôi được biết khu vực nghĩa trang Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan do Hợp tác xã (HTX) Thương mại Láng Hạ mua. Ông Thuận phụ trách nghĩa trang này cho hay, đầu tiên HTX mua khu đất chủ yếu phục vụ việc di dời mộ cho nghĩa trang Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan, nhưng do mua khu đất rộng, di dời số mộ từ nghĩa trang Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan lên vẫn còn thừa nhiều đất, HTX lại không thể chờ lâu vì “kẹt” đã đầu tư hàng chục tỷ vào đây. Vì thế, HTX “bán” cả cho các hộ ngoài khu vực Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan nếu có nhu cầu. Người của HTX “chào” với phóng viên 80 triệu đồng một suất cải táng, gồm cả dịch vụ âm trạch, dương trạch và dịch vụ chăm sóc mộ, mỗi năm 2 lần lên thăm mộ.
Cách đây chưa lâu, chia sẻ về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, chủ trương xã hội hóa thì nghĩa trang hiện nay đã giải quyết tương đối tốt cho nhu cầu nghĩa trang nói chung. “Nhưng nếu như xã hội hóa mà người ta bỏ vốn ra làm nghĩa trang thì một mặt nó vừa có tính từ thiện, một mặt vẫn mang tính chất kinh doanh. Vậy đặt ra vấn đề là nghĩa trang cho những người thu nhập thấp sẽ như thế nào? Chúng ta đã quan tâm vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp thì cũng nên quan tâm đến những người sắp mất.
Ở đây phải giải quyết được mối quan hệ giữa nguồn vốn từ xã hội hóa và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đảm bảo công bằng giữa những người có thu nhập khác nhau. Nếu đặt ra vấn đề như vậy thì thứ nhất là cần phải suy nghĩ có nguồn vốn ngân sách; thứ hai là phải cố gắng vận động phương thức cải táng. Hai yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến vấn đề nghĩa trang cho người thu nhập thấp” – ông Nghiêm nói.
L. Hương - H.Thủy (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.