Tình trạng quá tải trong các bệnh viện, thiếu thốn trường lớp học vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả Hà Nội và TP.HCM, đang cần đến số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư. Thế mà, một đề án mới đây của Bộ VH-TT&DL lại đặt mục tiêu xây mới hàng chục công trình văn hóa, dự chi tới hơn 10.000 tỷ đồng trong khi bản thân vô số Nhà văn hóa rải khắp cả nước còn chưa được sử dụng hết công suất...

Sẽ là "cú hích" ngược

Theo đề án của Bộ VH, tổng mức đầu tư đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa” giai đoạn 2012- 2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,2%), còn các nguồn huy động khác 4.300 tỷ đồng (chiếm 39,8%).

Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia lớn nhất Việt Nam của Bộ Xây dựng bị đặt những dấu hỏi lớn.

Mục tiêu của đề án cả chục nghìn tỷ này là “hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn”, theo đó, “từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa có chất lượng cao, hiện đại, tầm cỡ khu vực”.

Trước báo chí, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ Văn hoá - Thế thao và Du lịch nói rằng, không chỉ là giải trí đơn thuần, việc xây dựng các công trình văn hóa sẽ tạo ra những “cú hích” và sự đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Tân nói “cần thiết phải xây” vì Việt Nam đang thiếu những công trình tạo điểm nhấn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần… Theo một số chuyên gia, chủ trương “làm mới” và xây dựng những công trình văn hoá là đúng; tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, thì đơn vị quản lý cũng phải lượng sức mình.

Có lợi cho ai?

Chưa vội bàn đến số tiền ngân sách đầu tư, thì việc kêu gọi xã hội hoá từ nguồn vốn bên ngoài để thực hiện các công trình trong đề án cũng không thật sự dễ dàng.

Nói như một chuyên gia kinh tế, lợi nhuận trên suất đầu tư cho nghệ thuật chưa thật sự hấp dẫn. Và làm sao để “thuyết trình” các DN góp vốn là việc làm không hề đơn giản.

Trong khi đó, những công trình hiện hữu, việc quản lý lại chưa thật sự “đến đầu đến đũa”, hoặc có công trình đã hoàn thiện đi vào sử dụng nhưng lại “không phù hợp”, gây lãng phí.

Đơn cử, như Trung tâm chiếu phim Quốc gia nằm tại hai mặt tiền Láng Hạ và Thái Hà, hiện nay mặt bằng tầng 1 đã được lãnh đạo trung tâm này cho siêu thị điện máy thuê lại, kinh doanh. Bất cập chưa dừng lại ở đó, trong khi một số đơn vị nghệ thuật không có nơi biểu diễn, thì “những không gian vàng” như tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội lại được cho tổ chức thuê đám cưới, phía mặt đường Trần Bình Trọng thì hàng loạt quán cafe mọc lên.

Những điển hình của sự lãng phí

Trước đó, khi Bộ Xây dựng đưa ra ý tưởng xây dựng Bảo tàng Lịch sự quốc gia lớn nhất Việt Nam tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội), với tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỷ đồng cũng đã gặp sự phản ứng của dư luận. Lúc đó, người dân so sánh, thậm chí lo ngại ý tưởng của Bộ Xây dựng sẽ lặp lại tai tiếng như công trình bảo tàng chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trên đường Phạm Hùng.

Được ví von là “điển hình của sự lãng phí”, Bảo tàng Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 2.300 tỉ đồng, theo nhận định, đã không khai thác hết công năng và xứng tầm với quy mô của một công trình lớn. Và ngay khi đưa vào sử dụng chưa lâu, một số hạng mục cũng có dấu hiệu xuống cấp.

Một kết luận thanh tra mới đây cho thấy, dự toán thiết kế đã tính sai số tiền hơn 5,6 tỷ đồng tại 6 gói thầu. Cũng tại công trình “điển hình” này, cơ quan chức trách còn phát hiện sai do thanh toán, quyết toán không phù hợp với hồ sơ hoàn công và yêu cầu giảm trừ số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Tổng cộng sai phạm kinh tế ở Bảo tàng Hà Nội được xác định là 12,5 tỷ đồng.

Việt Hưng

Pháp luật Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.