27/03/2013 4:27 PM
Đất thuộc diện nhà nước thu hồi. Dân hoàn toàn đồng tình vì cảnh quan đường phố bên sông Tô Lịch (Hà Nội) sẽ khang trang sạch sẽ hơn.
Theo ông Miện, nhiều mảnh đất sát khu vực GPMB vẫn bán được với giá vài tỷ đồng nhưng các hộ lại chỉ được bồi thường khoảng 4 triệu đồng/m2. Ảnh: Việt Nguyễn.

Nhưng sau đó, hàng chục hộ đã phải ngậm đắng nuốt cay khi biết số tiền bồi thường, hỗ trợ cho hàng chục mét vuông đất giữa nội đô – vốn được xem là quý như vàng - không bõ bèn gì so với giá căn hộ tái định cư mà họ được mua trả chậm trong 10 năm.

Đau đớn vì đất không sổ đỏ
Dọc bờ (hữu) sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến Ngã Tư Sở, song song với đường Láng, nhiều năm nay lem nhem vì mặt bằng quy hoạch chưa được thực hiện, nhà dân lụp xụp, cây cỏ um tùm, mất vệ sinh, đời sống sinh hoạt không khác gì những “xóm liều”. Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II sẽ giải tỏa khu đất vàng nhưng kém văn minh này thành con đường bên sông sạch sẽ, gọn gàng hơn. Các hộ dân thuộc tổ 5 và tổ 6 đường Giáp Nhất (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) nằm trong vị trí giải tỏa từ cầu Mọc đến đình Giáp Nhất đa số không có sổ đỏ cho mảnh đất của mình, dù vẫn sống ổn định, không tranh chấp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Chuyện này không có gì lạ khi trong ngày 25/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn thông báo, cả nước đang tồn đọng tới hơn 4 triệu sổ đỏ chưa được cấp và riêng Hà Nội là 500.000 giấy.

Năm 2011, thực tế này cộng với sự “phức tạp” vốn có trong việc xác minh nguồn gốc đất và khung giá đất quá chênh lệch so với giá thị trường đã khiến hàng chục hộ dân ở tổ 5 và tổ 6 đường Giáp Nhất bị áp khung thấp nhất là 8.736.000 đồng/m2 (vị trí 3) nhưng đa số chỉ được hưởng 40% của 8.736.000 đồng. Sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án thoát nước, họ được mua nhà tái định cư tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân) và khu đô thị Đồng Tàu (Hoàng Mai). Được ở nơi đàng hoàng hơn, nhưng mới qua chưa đầy 2 năm, các hộ dân đã thấy canh cánh mối lo bị thu hồi căn hộ hoặc phải ở thuê vì số tiền bồi thường hàng chục mét đất không bõ bèn gì so với mức giá quá “chát” của căn hộ tái định cư mà họ được mua.

Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Đức Miện và bà Nguyễn Thị Kim Dung (trú tại phòng 407 nhà N2C và phòng 1707 nhà N2D KĐT Trung Hòa – Nhân Chính), thay mặt hơn 20 hộ dân vốn trú tại khu vực giải phóng mặt bằng, cùng than rằng giá đất ở nội thành (dù nằm bên sông Tô Lịch ô nhiễm thì vẫn cứ là đất vàng) mà chỉ được bồi thường khoảng 4 triệu đồng/m2 là quá xa thực tế, trong khi 2 căn hộ mà các ông, bà này được mua lại có giá tới 16 triệu đồng/m2 sàn. Ông Miện tính toán: “Nhà nào cũng ôm món nợ từ 600 triệu đến hơn 1 tỷ, đã thế lại phải chịu tiền lãi. Dù được trả chậm 10 năm nhưng tôi bây giờ gần 70 tuổi rồi, sợ rằng đến lúc chết cũng không trả hết nợ!”.

Mất ăn mất ngủ vì nợ
Theo các hộ dân, một điều nghịch lý là họ đang sống yên ổn trên mảnh đất của mình bao lâu nay, dù nhà cửa không đàng hoàng như căn hộ tái định cư nhưng cũng rất có giá trị vì ở ngay giữa nội thành, bỗng nhiên bị giải phóng mặt bằng, số tiền đền bù thậm chí chưa được tiêu đồng nào đã phải ôm một cục nợ lớn với thời gian 10 năm, chưa kể lãi suất. Quá bức xúc, bà Kim Dung còn khoe với chúng tôi mấy… trang thơ dài dằng dặc bà làm sau những đêm mất ăn mất ngủ, chỉ để nói lên sự việc cho… bõ tức mà thôi. Bà bảo, khi thu hồi đất, “người ta cứ làm rào rào, chúng tôi chưa định thần được”.

Ông Nguyễn Đức Miện lại than: “Nhà nước chủ trương thu hồi đất thì phải chấp hành rồi, nhưng thực tế như vậy đấy nên rất bức xúc. Chúng tôi về hưu hưởng chế độ rồi, bây giờ làm cái gì ra tiền mà trả nợ. Tôi có 65m2 được bồi thường có 318 triệu đồng, nhưng phải nộp luôn vào tiền mua căn hộ tái định cư nên chả được cầm xu nào cả. Còn nợ hơn 800 triệu đồng nữa, không biết làm sao mà trả nổi? Chưa kể, có 2 hộ còn chưa được phân nhà cơ”. Bà Nguyễn Thị Minh (cùng trú tại nhà N2D, trước ở số 1, ngõ 2, đường Giáp Nhất) bức xúc: “Chúng tôi làm đơn rất nhiều mà có ăn thua gì đâu. Nếu không đồng ý với phương án bồi thường của họ (UBND quận Thanh Xuân) thì làm sao có nhà để sống yên ổn. Nhưng có được căn hộ rồi thì lại canh cánh khoản nợ lớn kia”.

Theo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư – UBND quận Thanh Xuân, các phương án giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II này căn cứ theo Văn bản số 4216/UBND-TNMT ngày 10/6/2010 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt bổ sung một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án thoát nước trên địa bàn quận Thanh Xuân. Hầu hết các hộ gia đình đều có một phần diện tích được khẳng định là tự sử dụng sau ngày 18/12/2001 và được áp mức bồi thường chỉ khoảng 50.000 đồng/m2, số diện tích còn lại được xác định là đất tự chuyển đổi sang làm nhà ở, đất ở trước 15/10/1993 và được áp mức bồi thường thấp nhất là 40% của 8.736.000 đồng/m2 (đơn giá năm 2011). Nhưng các hộ dân như ông Miện đều cho rằng, cứ tính toán kiểu như thế này, thì 4 mét đất của người dân đang sống ổn định chưa chắc đã mua nổi một mét sàn tái định cư, thế nên mới sợ “đến chết chưa hết nợ” như lời ông Miện nói.
Năm 2012, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 14/UBND về chính sách bán nhà tái định cư theo phương thức trả dần (thay thế Quyết định 72 ra năm 2006). Theo đó, các trường hợp có đủ điều kiện được mua nhà tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhưng tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và nhà ở trên đất nhỏ hơn số tiền mua nhà tái định cư phải nộp, có nguyện vọng được trả dần số tiền chênh lệch còn thiếu trong 10 năm. Số tiền nhà được phép trả dần được tính lãi suất bằng 0,3%/tháng. Trường hợp không trả đủ khi hết 10 năm thì Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà báo cáo thành phố quyết định chuyển sang hình thức thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Số tiền mua nhà đã trả sẽ được trừ dần vào tiền thuê nhà.
  • Hà Nội hướng dẫn chuyển dự án nhà ở thương mại sang xã hội

    Hà Nội hướng dẫn chuyển dự án nhà ở thương mại sang xã hội

    UBND TP Hà Nội vừa ra quyết định thành lập Tổ công tác hướng dẫn chuyển các dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. <br/br>

  • Hà Nội cho xây trung tâm thương mại cao tầng cạnh Hồ Gươm

    Hà Nội cho xây trung tâm thương mại cao tầng cạnh Hồ Gươm

    Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quận Hoàn Kiếm và quy hoạch tổng mặt bằng ô đất tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ. <br/br>

  • Doanh nghiệp BĐS Hà Nội gửi thư ngỏ chất vấn TS Alan Phan

    Doanh nghiệp BĐS Hà Nội gửi thư ngỏ chất vấn TS Alan Phan

    Theo nguồn tin mới nhất của PV Lao Động, chiều tối ngày 26.3, CLB BĐS Hà Nội đã dự thảo Thư ngỏ gửi TS Alan Phan - nguyên Chủ tịch Quỹ Đầu Tư Viasa thể hiện quan điểm không đồng tình với bài viết “Nên để thị trường BĐS rơi tự do” của ông này và gửi tới ông Alan Phan một loạt câu hỏi chất vấn. Sau đây là một vài nội dung chính của dự thảo: <br/br>

Việt Nguyễn (Báo Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.