16/04/2011 11:50 PM
Nhiều công ty lợi dụng chức năng phát triển KCN để kinh doanh bất động sản; tại đồng bằng sông Cửu Long có hơn 92% diện tích đất KCN bỏ hoang.

Bài viết dưới đây được PV lược ghi từ tham luận của GS-TS Võ Thanh Thu tại hội thảo “Quốc hội với việc quyết định điều chỉnh cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại và phát triển bền vững” và qua trao đổi với GS về vấn đề đáng quan tâm này.

Ở nhiều vùng, người ta lấy đất trồng lương thực năng suất cao để làm khu công nghiệp (KCN). Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, toàn vùng ĐBSCL có 20 KCN và 177 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 15.500 ha. Trong đó chỉ có 15 cụm công nghiệp được các doanh nghiệp (DN) thuê đất với hơn 700 ha, tức chỉ đạt 4,5% tổng diện tích quy hoạch.

Giảm diện tích đất trồng trọt, tăng ô nhiễm

Ngay như vùng bán đảo Cà Mau xa xôi, nơi có nền đất rất yếu mà cũng có nhiều KCN ồ ạt mọc lên như ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang… rồi sau đó đất đai bị bỏ hoang cho cỏ mọc vì không có nhà đầu tư. Tính đến nay, các tỉnh ĐBSCL có tới 17.690/19.102 ha đất tại các khu, cụm công nghiệp hiện bị bỏ trống, chiếm hơn 92,6%. Mỗi năm, riêng ĐBSCL đất nông nghiệp bị mất tới 70.000 ha, đe dọa an ninh lương thực của quốc gia và tác động xấu đến đời sống kinh tế nhân dân, đặc biệt là những nông dân bị lấy đất làm KCN.

Nhiều công ty phát triển KCN thực chất là các công ty kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, quy chế về vấn đề này chưa hoàn thiện khiến nhà đầu tư đầu cơ đất làm KCN nhưng sau khi được phê duyệt làm KCN thì chuyển nhượng kiếm lời hoặc thay đổi công năng, “xẻ đất bán nền”… gây lãng phí, bức xúc cho người dân bị giải tỏa.

Nhiều KCN chạy theo thu hút dự án nên buông lỏng hoạt động của DN, gây ô nhiễm môi trường. Theo Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, trong năm 2009-2010, có tới 70% KCN trong cả nước chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng. Đáng nói có nhiều DN xây hệ thống xử lý nhưng chỉ để… đối phó, không sử dụng mà lại xây thêm hệ thống bí mật để xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng trên diện rộng. Hàng trăm DN trong các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai xả thẳng hàng triệu lít nước thải mỗi ngày ra sông Đồng Nai, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân vùng Đông Nam Bộ.

KCN Hưng Phú 2B (Cần Thơ) đến nay vẫn ì ạch chưa tới đâu, bỏ hoang nhiều đất gây lãng phí. Ảnh: GIA TUỆ

Mức phạt DN gây ô nhiễm chưa mang tính răn đe khiến nhiều DN cứ gây ô nhiễm rồi chịu phạt vì phí phạt thấp hơn nhiều chi phí đầu tư xử lý ô nhiễm.

Hệ quả từ phát triển KCN kiểu “lấp đầy”

Nhiều KCN ở TP Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai… có hàng trăm DN không thể mở rộng hoạt động hoặc chậm triển khai dự án vì không tuyển được lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do lương công nhân tại các KCN rất thấp, điều kiện lao động không được đảm bảo, chỉ số ít công nhân đang làm trong các KCN được lưu trú trong các chung cư do chủ DN xây.

Đa số các DN hoạt động tại các KCN thuộc ngành chế biến mang tính ô nhiễm mà ít DN có trình độ công nghệ cao. Do đó, hoạt động của các KCN chỉ mới tác động tới nền kinh tế theo hướng “công nghiệp hóa” chứ chưa tham gia quá trình “hiện đại hóa” nền kinh tế Việt Nam. Đây là hậu quả của mục tiêu “lấp đầy” các KCN mà xem nhẹ sự chọn lọc dự án công nghệ cao.

Những nguyên nhân dẫn tới các tồn tại trên là do cả trung ương lẫn địa phương chưa có chiến lược phát triển các KCN nên dẫn tới sự phát triển các KCN một cách tùy tiện, ngẫu hứng. “Quy hoạch “treo”, giải tỏa đền bù xong bỏ hoang, xây xong không kiếm được nhà đầu tư, kiếm xong rồi không tuyển được lao động… khiến cho chất lượng quy hoạch phát triển KCN thấp. Cạnh đó, hệ thống pháp luật, các văn bản hướng dẫn có liên quan đến phát triển KCN như quy định về lương tối thiểu, về thu hút dự án có công nghệ cao… còn nhiều điểm không phù hợp.

Cần xây dựng luật về KCN

Để khắc phục những khiếm khuyết trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải nhanh chóng xây dựng đề án Phát triển các KCN giai đoạn 2010-2020 trình Chính phủ phê duyệt. “Chiến lược này phải nêu rõ “sứ mạng”, nhiệm vụ các KCN trong điều kiện Việt Nam hội nhập WTO. Cạnh đó, phải xây dựng chiến lược phát triển các KCN theo vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ, vùng trọng điểm phía Nam, miền Trung, phía Bắc… và mỗi vùng phải thể hiện thế mạnh của mình. Không nên để các vùng kinh tế có lợi thế khác nhau mà lại có mô hình phát triển KCN giống nhau”.

Đồng thời, cần phải hoàn thiện các luật và các văn bản pháp quy để tạo hành lang pháp lý cho việc chống ô nhiễm môi trường, sử dụng tốt nguồn nhân lực, khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao vào KCN. Song song đó, phải xây dựng luật về KCN, luật đình công bãi công… để tạo cơ sở pháp lý cho phát triển bền vững các KCN. Nhà đầu tư phải dành đất cho cây xanh, dành đất cho phát triển nhà ở và công trình phúc lợi phục vụ người lao động. Nếu không đáp ứng được những điều kiện này thì dứt khoát không cho hoạt động. Đồng thời, phải thay đổi cơ cấu đầu tư vào các KCN ở TP lớn như Hà Nội, TP.HCM… theo hướng giảm dần và tiến tới ngưng các dự án thâm dụng lao động, gây ô nhiễm mà chỉ thu hút các dự án công nghệ cao.

GS-TS VÕ THANH THU, giảng viên bộ môn Kinh doanh quốc tế (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Quá trình đô thị hóa và xây dựng các KCN rất cần tính đến trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và phát triển bền vững. Các KCN phải đóng vai trò là các cực tăng trưởng kinh tế trên sự liên kết chặt chẽ với các trung tâm khoa học và giáo dục. DN Việt Nam phải đủ sức tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học-công nghệ cao và phải vượt khỏi thời kỳ kinh doanh kiểu “lướt sóng” ngắn hạn.

GS-TS Trần Ngọc Hiên, phát biểu tại hội thảo “Quốc hội với việc quyết định điều chỉnh cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại và phát triển bền vững”, TP.HCM ngày 15,16-4

tag: quy hoach kcn , knc bo hoang
Cafeland.vn - Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.