Với việc cho phép doanh nghiệp bất động sản (BĐS) được huy động vốn ở mức 20% trước khi làm xong móng, Nghị định 71 đã “đá” Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Điều 9 của Nghị định 71 cho phép các chủ đầu tư có quyền huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp ngay từ khi thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng với lượng vốn huy động bằng 20% tổng dự án.

Nói cách khác, chủ đầu tư được phân chia tối đa cho các hình thức huy động vốn không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án, mà không phải thông qua sàn giao dịch BĐS, có nghĩa là được phép huy động vốn trước khi làm xong phần móng của dự án.

Thời gian qua, tình trạng bán nhà trên giấy thường xuyên diễn ra vì chủ đầu tư lách Luật để huy động vốn khi chưa làm xong móng. Ảnh: Ca Hảo

Trong khi đó, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS lại cấm điều này. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho rằng, sở dĩ Luật Nhà ở quy định xây xong móng mới được huy động vốn, nên dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71 do Bộ Xây dựng ban hành quy định việc này cụ thể, chi tiết hơn.

Theo đó, dự thảo thông tư quy định, nhà đầu tư thứ cấp góp vốn chỉ được mua một căn nhà, phần còn lại sẽ được chủ đầu tư trả lãi trên hiệu suất kinh doanh. Ông Hà cho rằng, với quy định này, doanh nghiệp sẽ có điều kiện hơn trong việc triển khai dự án, đồng thời hạn chế được tình trạng “ngâm” dự án.

“Nếu nhà đầu tư chỉ được mua một căn nhà, thị trường sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, tạo điều kiện cho những người co nhu cầu thực mua được nhà.”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, tại buổi góp ý dự thảo thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71 do Bộ Xây dựng ban hành, được Hiệp hội BĐS tổ chức chiều 31/8, nhiều doanh nghiệp vẫn than khó.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng, nếu đã cho doanh nghiệp huy động vốn thì đừng hạn chế gì hết, chỉ cần quy định rõ hơn về thuế trong quá trình chuyển nhượng. Nếu không, sẽ chẳng nhà đầu tư nào góp vốn.

Việc chỉ cho phép nhà đầu tư góp vốn mua một căn nhà liệu có hạn chế được tình trạng đầu cơ và giúp người có nhu cầu thực có nhà? Ảnh: Ca Hảo

Tương tự, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT VinaLand góp ý, nếu không cho sang nhượng, việc huy động 20% vốn trước khi xây móng sẽ rất khó xảy ra vì nhà đầu tư sẽ chờ sau móng mới nhảy vào, do vậy tưởng mở nhưng cuối cùng coi như không.

Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, nếu Nghị định 71 đã “bật đèn xanh” cho chủ dự án huy động 20% vốn trước khi làm xong móng thì không nên quy định nhà đầu tư góp vốn chỉ được mua một căn nhà, mà nên quản lý bằng việc áp thuế. Như vậy ba bên đều có lợi.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đồng tình, nếu Nhà nước cho phép chuyển nhượng và quản lý được, sẽ hạn chế được phần thất thoát 2% phí chuyển nhượng mà doanh nghiệp thu của nhà đầu tư trong thời gian qua.

Cho đến thời điểm này, đại diện của cơ quan soạn thảo Thông tư vẫn cho rằng, các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, đồng thời hạn chế tình trạng dự án kéo dài lê thê. Song, doanh nghiệp lại than khó huy động vốn hơn hơn và có thể mất thời gian hơn, vì có quá nhiều thủ tục.

Ông Hà khẳng định rằng, cốt lõi của vấn đề là Luật đã ban hành, Thông tư hay Nghị định chỉ làm rõ hơn những nội dung của Luật. Theo thông báo của ông Hà, dự thảo thông tư đã được trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 31/3 và sẽ được ký trước ngày 2/9.

Nếu thông tư này chính thức được ban hành, không biết sẽ là niềm vui hay nỗi buồn đối với các doanh nghiệp BĐS, khi mà nó chưa thực sự chuẩn?
Cafeland.vn - theo Ca Hảo - Vnn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland