Kết quả thanh tra có đủ căn cứ khẳng định: Bình Thuận đang là tỉnh nghèo nhưng lại "giàu” sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển (resort). Bình Thuận là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số dự án sân golf: 19 dự án. Sau khi 4 dự án bị thu hồi giấy phép, vẫn còn 15 sân golf. Tổng diện tích đất cấp cho 15 dự án sân golf lên đến 7.000 ha, nhưng trong thực tế chỉ có 1.800 ha/7.000 ha được sử dụng làm sân golf, số đất còn lại (hơn 5.000 ha) được chủ đầu tư "bẻ ghi” chuyển sang xây dựng biệt thự, khu đô thị, nhà hàng, trung tâm thương mại...
Sân golf quá nhiều đó là sự "lệch pha” trong chủ trương thu hút đầu tư, dẫn đến tình trạng thôn tính đất canh tác của địa phương. Mặt khác, trong tổng số đất cấp cho các chủ đầu tư, chỉ có hơn 25% diện tích đất dùng làm sân golf, còn lại hơn 70% sử dụng vào mục đích kinh doanh thuần túy không có trong dự án. Cấp đất và sử dụng đất kiểu đó chỉ có lợi cho chủ dự án và một số đối tượng có liên quan, còn phần thua thiệt người dân địa phương phải gánh chịu. Có những dự án, về thực chất, chỉ là kinh doanh bất động sản, còn chơi golf chỉ là phần... ăn theo.
Bình Thuận có lợi thế nằm ven biển nhưng không phải
là địa phương có bờ biển dài nhất nước. Tiềm năng kinh tế biển không
bằng nhiều địa phương khác nhưng Bình Thuận cũng lại chiếm ngôi vị số 1
về số dự án resort. Chắc hẳn nhiều người sửng sốt khi biết thông tin,
Bình Thuận hiện có hơn 400 dự án resort. Trong số đó có 124 resort đã đi
vào hoạt động, còn lại 280 dự án đã được cấp phép đầu tư và đang "rục
rịch” triển khai xây dựng. Nguyên nhân nào mà Bình Thuận "bội thực” dự
án resort?
Phát triển dịch vụ là cần thiết, có thể là chủ trương lớn, xuyên suốt của địa phương, qua đó tạo thêm việc làm và khơi tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Sân golf, các khu resort góp phần mở rộng tỷ trọng cũng như nâng cấp chất lượng hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên phát triển dịch vụ đúng hướng và đúng mức (tương xứng điều kiện và khả năng của địa phương) với kiểu làm dịch vụ chạy theo phong trào là 2 cách hoàn toàn khác nhau. Số lượng sân golf và các khu resort ở Bình Thuận trở nên lạm phát, theo đó hệ lụy là không thể tránh khỏi. Ngành chuyên trách đã làm rõ "phong trào” xây sân golf và các khu resort ở Bình Thuận, vấn đề còn lại là làm thế nào và đến bao giờ khắc phục được tình trạng "lệch pha” trong thu hút đầu tư ở Bình Thuận.