Gửi thư đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số người dân ở ấp 8, xã Tân An và KP2, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phản ánh: “Nhà cửa, đất đai của chúng tôi nằm trong dự án công trình giao lộ ngã tư Cây Me. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết việc bồi thường để thực hiện dự án. Hiện chúng tôi đi không được mà ở cũng không xong”.
PV đã đến tận nơi để tìm hiểu thông tin. Chị M. ở ấp 8 nói: “Ngay từ năm 2006, khi nhận được thông tin là chính quyền sẽ giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng công trình giao lộ ngã tư Cây Me thì nhà nào cũng sẵn sàng thu xếp để di dời. Nhưng rồi chúng tôi chờ hết năm này đến năm khác mà chẳng thấy động tĩnh gì. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị chính quyền sớm thực hiện dự án nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là đang tiến hành”.
Căn nhà của gia đình bà Điệp tại KP2, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) ngày càng xuống cấp nhưng bà không thể sửa chữa. Ảnh:T.NHÂN
Bà N. ở KP2 than phiền việc chậm thực hiện dự án đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bà con không thể thực hiện các giao dịch thế chấp, sang nhượng, tặng cho nhà đất; không thể xây dựng hay sửa chữa nâng cấp nhà... Như trường hợp nhà bà Điệp ở KP2 có ba người con thì người con trai đã lập gia đình và đang ở chung với vợ chồng bà. Các thành viên phải chen chúc trong căn nhà chật chội trống trước dột sau. Nhà của bà Nguyễn Thị Mỹ Danh (ấp 8) thuộc diện giải tỏa trắng. Mái tôn phía trước căn nhà của bà đã rỉ sét, hư hỏng nặng; mỗi khi trời mưa là dột khắp nơi, nhiều khi gió mạnh cuốn bay cả tấm tôn. Bà Danh muốn làm lại căn nhà cho đàng hoàng để dựng vợ gả chồng cho các con nhưng không được.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết: Xã có báo cáo vụ việc đến UBND TP Thủ Dầu Một thì nhận được văn bản phản hồi Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang xây dựng phương án bồi thường nhà đất ở khu vực trên để trình UBND TP phê duyệt. Do UBND TP không bố trí danh mục vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012 nên trung tâm chưa thể triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một cũng xác nhận đã hoàn tất hồ sơ dự án công trình giao lộ ngã tư Cây Me và giờ chỉ còn chờ nhận vốn từ UBND TP.
PV đã tiếp tục liên hệ với UBND TP Thủ Dầu Một để làm rõ hướng xử lý về vốn nhưng chưa nhận được câu trả lời từ người có thẩm quyền.
Dự án công trình giao lộ ngã tư Cây Me (làm vòng xoay) do UBND TP Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư và được lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận từ năm 2008. Theo đó, diện tích đất thu hồi của dân ở xã Tân An và phường Hiệp An là 39.654 m2, trong đó có 88 hộ thuộc diện giải tỏa một phần diện tích nhà, đất và tài sản hiện có trên đất; 10 hộ bị giải tỏa trắng. Dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho dân là gần 114 tỉ đồng.