18/01/2013 7:39 AM
Tại huyện Củ Chi (TP.HCM), hàng ngàn hộ dân không được chuyển nhượng, thế chấp… đất vì giấy đỏ đã hết hạn vào tháng 12-2012 nhưng đến nay vẫn chưa được gia hạn.

Chỉ riêng ở hai ấp Trung, Thượng thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM) đã có hơn 800 hộ dân lâm vào tình cảnh khốn đốn này.

Dân hết đường làm ăn

Bà Lữ Kim Chi (tổ 3, ấp Trung) kể: “Gia đình tôi ở đây từ trước giải phóng. Năm 1992, chúng tôi được cấp giấy chứng nhận 1.337 m2 đất thổ vườn với thời hạn sử dụng đến hết năm 2012. Mới đây, tôi đem giấy đỏ đi thế chấp ngân hàng để vay vốn chăn nuôi và làm bánh tráng nhưng bị từ chối vì “hết thời hạn giao đất”. Tôi tức tốc chạy lên huyện xin gia hạn nhưng họ nói chờ cấp trên chỉ đạo. Giờ tôi chưa biết phải xoay xở ở đâu để có vốn làm ăn”.

Chị Nguyễn Thị Bé (ấp Thượng) đang đau khổ vì không được ngân hàng cho đáo hạn. Trước đây, mẹ chị thế chấp giấy đỏ vay ngân hàng 30 triệu đồng để nuôi bò. Do đến tháng 12-2012 giấy đỏ hết hạn nên mẹ chị phải vay nóng bên ngoài nộp cho ngân hàng để lấy giấy đỏ ra nhưng giờ không vay lại được. Hằng tháng mẹ chị phải trả lãi vay bên ngoài rất cao khiến bà buồn rầu đổ bệnh.

Ông Trần Văn Hiền (ấp Trung) thì mất ăn mất ngủ do cha, mẹ ông bị bệnh mà nhà không đủ tiền lo thuốc thang. Gia đình ông quyết định chuyển nhượng bớt một thửa đất và vừa mới lo xong thủ tục tách thửa. Giờ lại gặp chuyện “hết hạn sử dụng đất”, giấy đỏ nằm “chết cứng” chứ không giao dịch được.

Do vướng thời hạn sử dụng đất nên gia đình bà Lữ Kim Chi ở xã Tân Thông Hội không thể thế chấp miếng đất này để vay vốn chăn nuôi. Ảnh: KIM PHỤNG

Chính quyền sốt ruột chờ

Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, cho biết: “Xã Tân Thông Hội là xã đầu tiên thực hiện thí điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993. Theo đó, thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm là 20 năm. Vì vậy, tới thời điểm này hầu hết giấy chứng nhận trên địa bàn xã với khoảng 600 ha đất đều đã hết hạn sử dụng. Từ đó người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển nhượng, mua bán, thế chấp... Đầu năm 2013, khi Văn phòng Công chứng huyện từ chối công chứng mọi giao dịch đối với các giấy đỏ hết hạn thì dân tình “khóc ròng”, có trường hợp chuyển nhượng đã nhận cọc nhưng không thể tiếp tục thực hiện đã phát sinh tranh chấp… Xã đã kiến nghị lãnh đạo huyện có hướng tháo gỡ nhưng chưa có kết quả”.

Theo ông Võ Văn An, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Củ Chi, việc tạm dừng mọi giao dịch do vướng thời hạn sử dụng đất đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. “Khổ nhất là những người có nhu cầu vay vốn, đáo hạn ngân hàng nhưng chúng tôi không có cách nào khác là phải chờ hướng dẫn” - ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Củ Chi, thông tin: “Theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 181/2004 của Chính phủ, khi hết thời hạn sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp… do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Thế nhưng do không có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục để người dân được tiếp tục sử dụng đất nên huyện không thể giải quyết. Từ đầu năm 2012, để chia sẻ khó khăn của bà con, UBND huyện đã gửi công văn xin ý kiến Sở TN&MT về việc gia hạn sử dụng đất nhưng tới nay vẫn chưa có hướng dẫn”.

Nhiều huyện khác thắc thỏm

Tham khảo thông tin ở các quận, huyện có nhiều đất nông nghiệp như quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, PV được biết những người dân nơi này đều được cấp giấy chứng nhận vào năm 1993 nên vẫn còn thời hạn sử dụng cho tới ngày 15-10. Để không cập rập, UBND huyện Nhà Bè đã có công văn đề nghị Sở TN&MT hướng dẫn về việc này nhưng tất nhiên chưa có phản hồi.

Sở cũng đang đợi

Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”. Song phải xử lý cụ thể thế nào thì Sở cũng chưa rõ nên Sở đang chờ văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Ông NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Theo Kim Phụng (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.