11/04/2011 1:22 AM
Hiện các ngân hàng đang siết cho vay đối với bất động sản (BĐS). Trong hoàn cảnh hiện tại, khi lĩnh vực BĐS trong nước thiếu vốn trầm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp vốn quan trọng nhất trong lúc này là luồng vốn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài.

“Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa cho phép thế chấp bằng BĐS để vay vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Căn nguyên của điều này là do ta chưa công nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi họ không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, chỉ rõ tại Hội nghị Toàn cảnh thị trường BĐS tổ chức ngày 9-4.

Theo ông Võ, việc thế chấp thì dễ nhưng quan trọng hơn là giải quyết nhà đất đã thế chấp thế nào khi người vay tiền không có khả năng trả được nợ đã vay. Như vậy, cũng không thể có giải pháp vốn từ nguồn tín dụng nước ngoài, khi pháp luật nước ta chưa được điều chỉnh lại theo hướng cho phép thế chấp bằng nhà, đất tại các ngân hàng thương mại nước ngoài.

“Dù sớm hay muộn, chúng ta vẫn phải làm là cho phép thế chấp bằng BĐS tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Nhất là khi ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO” - ông Võ phân tích.

Việc điều chỉnh này không chỉ cần thiết nhằm tạo vốn mạnh hơn cho thị trường BĐS, mà còn đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường chứng khoán ở nước ta hay mở rộng cơ chế mua bán, sát nhập doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, đây là một trong những nội dung đang được Bộ TN&MT xin ý kiến Ban Cán sự Đảng Chính phủ trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. “Tốt nhất là việc đổi mới pháp luật theo hướng này cần thực hiện ngay trong năm 2011, để giải quyết sớm bài toán vốn cho thị trường BĐS ở nước ta. Theo kế hoạch, Luật Đất đai sửa đổi tới năm 2013 mới được thực hiện, chờ đến lúc đó là rất lâu. Vì vậy, nên sửa nội dung này trước, để thực hiện ngay” - ông Võ đưa ra hướng tháo gỡ.

Cafeland.vn - Theo Phapluattp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland