Tại Hà Nội, thời gian qua,việc thực thi đề quy hoạch xây dựng các khu đô thị vệ tinh như Xuân Mai - Hòa Lạc, Sơn Tây - Miếu Môn… theo Đồ án Quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã để lại những bài học sâu sắc. Sự phát triển ồ ạt, thiếu tính toán trên trục Thăng Long - Hòa Lạc là một vấn đề mà Hà Nội đang phải đối mặt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý về Quy hoạch và cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài
Trong quá khứ, không ít câu chuyện phá vỡ quy hoạch hoặc làm quy hoạch từ đầu không tốt đã làm méo mó bộ mặt đô thị. Thế nên, điều đầu tiên mà Hà Nội cần lưu ý là Đồ án Quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài phải phù hợp với Đồ án “mẹ” là Đồ án Quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Nếu tuân theo Đồ án “mẹ”, trục Nhật Tân - Nội Bài phải luôn được định vị tuyến nối quốc tế với Hà Nội, là trục cửa ngõ Thủ đô. Vì vậy, trục đường này phải phù hợp với không gian của khu vực phía Bắc, phù hợp với tuyến giao thông đối ngoại quan trọng, một trung tâm mà Việt Nam có thể “khoe” được với thế giới về quy hoạch và kiến trúc. Vậy nên, khi xây dựng trục Nhật Tân - Nội Bài, cần phải tạo được một không gian uyển chuyển mà các nhà quy hoạch gọi là “Rồng chầu ngọc”.
Bên cạnh đó, dù chọn phương án nào để đầu tư xây dựng thì việc thống nhất quy hoạch tổng thể của Đồ án, sự kết nối của Đồ án giữa các khu đô thị cũng phải được đề cao, tránh chuyện chủ đầu tư “mạnh ai nấy làm”, phá vỡ cảnh quan chung hoặc “chạy trước quy hoạch” khi Đồ án chưa được duyệt đã xin cơ chế xây dựng trước.
Hiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư và các dự án thành phần của đô thị Nhật Tân - Nội Bài như bất động sản, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch. Về cơ bản, Thủ tướng đã đồng ý với các kiến nghị của Hà Nội về cơ chế chính sách đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị 2 bên đường Nhật Tân - Nội Bài. Nhưng cơ chế gọi vốn như thế nào để xây dựng một khu trục phát triển mới xứng danh, xứng tầm với Thủ đô là “đề bài” đặt ra cho Hà Nội.
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng “khu Bắc” trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô đã được xác định. Với tầm của khu đô thị không chỉ là bộ mặt của Thủ đô, mà còn là “cổng chào” của Việt Nam khi bạn bè quốc tế đến, có lẽ phải tính đến chuyện giao cho một Ủy ban phát triển hoặc Ban Quản lý Dự án cấp quốc gia thực hiện dự án.
Như đã nói ở trên, câu chuyện về giải tỏa, đền bù, bảo vệ làng xã, tái định cư… như thế nào cũng là một vấn đề quan trọng mà Hà Nội phải đương đầu. Chưa kể đến rất có thể sẽ xảy các trường hợp lợi dụng các chủ trương đầu tư để trục lợi. Thế nên, một mình Hà Nội có đủ sức, đủ năng lực thực hiện hay không cũng cần phải tính toán thêm.
Có lẽ đã lường trước những phức tạp có thể ảnh hưởng đến Đồ án, nên Thủ tướng đã đề nghị, về giải phóng mặt bằng, Nhà nước phải đứng ra tổ chức thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho người dân, chứ không giao cho doanh nghiệp, đồng thời tính toán nguồn vốn 11.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng. Việc xây dựng hạ tầng khung về nguyên tắc cũng do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhưng huy động các nguồn vốn khác nhau...
Như vậy, có thể thấy, cơ chế đầu tư khu đô thị tại trục Nhật Tân - Nội Bài thuộc quyền chủ động của Nhà nước. Nhà nước sẽ “đi trước một bước”, thực hiện từ công đoạn đầu đến khi có đất sạch, hạ tầng hoàn chỉnh rồi sẽ tiến hành đấu thầu, gọi vốn đầu tư. Sẽ không có chuyện những nhóm lợi ích chi phối quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh một dự án tầm cỡ như dự án này.
Rõ ràng, việc phát triển một khu vực quan trọng như trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ phải đối diện với tầng tầng lớp lớp các vấn đề nan giải. Nhưng, nếu nắm chặt trọng điểm, nắm chặt quyền chủ động, khống chế các “huyệt đạo” trục lợi và có phương án phù hợp, tin rằng, Nhật Tân - Nội Bài sẽ trở thành một động lực phát triển không cho không chủ Hà Nội mà cả đất nước.