Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn những điều bất cập. Vì vậy, trước khi Luật đất đai sửa đổi được hoàn chỉnh, trình Quốc hội thông qua thì việc cấp bách sửa đổi bổ sung những bất cập của Nghị định này sẽ phải sớm được thực hiện.
Việc sửa đổi một số điều khoản của Nghị định 69 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến của đại diện các địa phương.
Phần diện tích không bị thu hồi cũng được hỗ trợ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển, Nghị định sửa đổi Nghị định 69 lần này sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất làm cơ sở hoạt động từ thiện mà cơ sở tôn giáo sử dụng trước ngày mồng 1/7/2004 do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng từ người khác; đất tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng ổn định và không có tranh chấp, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng.
Đặc biệt, đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không thể tiếp tục sử dụng được thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn tiếp tục sử dụng được thì bồi thường phần giá trị nhà ở, công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà ở, công trình bị phá dỡ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển, trường hợp việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất để lập dự án đầu tư, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chậm triển khai do người bị thu hồi đất cố tình không hợp tác thì UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ra quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để lập dự án đầu tư, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Kế hoạch thu hồi đất phải được công khai - ảnh minh họa
Công khai kế hoạch thu hồi đất
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển, quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được gửi đến từng người có đất bị thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất bị thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cơ nơi có đất bị thu hồi.
Về quy định này, địa diện tỉnh Hưng Yên đề nghị, cần quy định rõ là phải thông báo bao nhiều lần, niêm yết trong bao nhiêu ngày trước khi thực hiện quyết định thu hồi đất. "Có những trường hợp dân mời luật sư kiện nếu không quy định rõ thời gian niêm yết là bao nhiêu ngày" - đại diện Hưng Yên dẫn chứng.
Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định, người sử dụng đất phải chấp hành quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Trong trường hợp người sử dụng đất không chấp hành thì bị cưỡng chế. Người bị cưỡng chế phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại.
“Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi” – Dự thảo nêu rõ.
Sau mười lăm ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất thu hồi mà ngưòi bị cưỡng chế không chấp hành thì UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người bị thu hồi đất không nhận tiền chi trả về bồi thường, hỗ trợ, không nhận nhà, đất được bố trí tái định cư thì Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng chuyển khoản tiền chi trả vào tài khoản riêng mở tại ngân hàng và giữ nguyên nhà, đất tái định cư để làm căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại sau này.
Khi người bị thu hồi đất có yêu cầu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quyết định giải quyết khiếu nại thì số tiền bồi thường, hỗ trợ đang gửi lại ngân hàng và nhà, đất đã bố trí tái định cư được giao trả cho người có đất bị thu hồi. Số tiền lãi suất phát sinh trong thời gian gửi tại tổ chức tín dụng được trả lại cho người có đất bị thu hồi.
Về vấn đề này, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất Quảng Ninh cho rằng, phần này nên quy định rõ lãi suất gửi ngân hàng theo hình thức không kỳ hạn và khi giải quyết xong thì nộp vào ngân sách chứ không trả lại cho dân. "Họ đã vi phạm, cố tình chây ì thì không nên trả phần lãi này" - vị này phát biểu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển thì "có thể người dân ban đầu không chấp hành, nhưng sau khi được giải thích đã chấp hành thì vẫn nên trả lại cho họ phần lãi suất. Hơn nữa, cũng có những trường hợp người dân đúng, như vậy thì không thể không trả lại cho dân phần tiền lãi đó".
Phải lấy ý kiến trực tiếp của người dân về phương án bồi thường
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 69 quy định rất rõ về việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hướng công khai với người dân.
Theo đó, tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập phương án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức lấy ý kiến theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi đất, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
“Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản và có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện UB Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất bị thu hồi” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển cho biết.
Ngoài ra, theo ông Hiển, tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, nêu rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trường hợp còn nhiều ý kiến không tán thành thì tổ chức phát triển quỹ đất cần giải thích rõ hoặc xem xét, điều chỉnh.
Sau khi làm tất cả những công đoạn trên và phương án đã được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi. “Phương án cũng phải được gửi đến người có đất bị thu hồi, trong đó nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư, thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã bị thu hồi cho tổ chức phát triển quỹ đất” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiển nêu rõ.