Đại đa số người dân đều muốn được mua nhà theo NĐ61 vì tính ưu việt của chính sách mang lại, nhưng thực tế người muốn làm thì không được mà người được làm lại không đủ điều kiện kinh tế.
Không khí đìu hiu
Hội đồng bán nhà TP Hà Nội đã ấn định thời điểm chốt hồ sơ mua nhà theo NĐ61 là 17h ngày 5/6. Thông tin này lẽ ra phải khiến hàng nghìn hộ dân đang sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước phải vắt chân lên để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục mua nhà theo NĐ61 bởi nếu quá hạn, người dân sẽ phải mua nhà theo NĐ34 với mức giá cao hơn từ 8 đến 15 lần. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, 7 xí nghiệp của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bố trí đầy đủ cán bộ để đón tiếp, hướng dẫn người dân đến làm thủ tục mua nhà theo NĐ61, nhưng không khí ở các nơi này lại khá ảm đạm.
Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Thanh Xuân cũng không có người dân đến hỏi hoặc làm thủ tục mua nhà. Hiện quận này còn gần 1.000 hộ đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhưng hầu hết trong số này đều gặp vướng mắc nên không làm thủ tục được. Theo khảo sát, vướng mắc lớn nhất là nhà thuộc diện đang bị tranh chấp hoặc mua đi bán lại nhiều lần và hộ không đủ điều kiện kinh tế để mua nhà.
Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ bán nhà theo Nghị định 61 của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Ba Đình ở 71 phố Quán Thánh cũng nằm trong cảnh đìu hiu không kém. Xí nghiệp Quản lý 2 quận là Ba Đình và Tây Hồ, trong 16 năm qua đã bán được 18.500 căn hộ với diện tích sử dụng khoảng 604.000m2, doanh thu 800 tỷ đồng. Hiện tại, vẫn còn 3.500 hộ chưa làm hồ sơ mua nhà theo NĐ61.
Hà Nội còn nhiều căn hộ tập thể thuộc sở hữu Nhà nước mà người dân chưa đủ điều kiện để mua. |
Mấy ngày qua, xí nghiệp đã triển khai tuyên truyền đến từng phường và tổ dân phố để thông báo cho những hộ chưa làm thủ tục mua nhà theo NĐ61, nhưng hầu như không có người dân đến. Ông Hoàng Trung Chính, Trưởng phòng Tiếp nhận và Bán nhà của xí nghiệp cho biết: “Không khí khá ảm đạm, từ đầu năm 2013 đến nay chúng tôi mới tiếp nhận 23 hồ sơ, chưa bằng một ngày trong tháng 10/2006”.
Có mặt tại Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm, chúng tôi cũng ghi nhận được người dân đến làm thủ tục mua nhà rất ít. Hoàn Kiếm còn trên 2.000 hộ chưa mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Tháo gỡ vướng mắc cho người dân
Vì sao người dân lại chưa mặn mà mua nhà theo Nghị định 61? Theo ông Hoàng Trung Chính thì có nhiều lý do. Chiếm phần lớn là những nhà thuộc diện hộ dân không đủ điều kiện kinh tế để mua; những nhà thuộc diện chưa được bán như nhà nằm trong quy hoạch, nhà biệt thự và những nhà hiện đang có tranh chấp, khiếu nại hoặc nằm trong danh sách nhà cải tạo. Trên thực tế, có rất nhiều hộ tha thiết mua nhưng không được bán do vướng mắc, đó là các hộ nằm trong khu vực trung tâm chính trị Ba Đình như ở số 1 Bắc Sơn hoặc có hộ nằm trong quy hoạch của thành phố như khu tập thể Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ở Xuân La, Tây Hồ.
Chủ trương của công ty và các xí nghiệp trước hết những hồ sơ nào mà người dân đã nộp xin mua nhà ở dạng bị vướng mắc thì sẽ mời dân lên bổ sung cho kịp hiệu lực của NĐ61. “Xí nghiệp đã ra thông báo nhiều lần mời dân để hướng dẫn cho họ bổ sung kịp thời hoàn thiện hồ sơ trong thời gian ngắn nhất để xí nghiệp bán nhà cho họ. Nhưng có hộ thì bận, hộ thì chưa tìm thấy giấy tờ bổ sung nên chưa đến. Tới đây chúng tôi sẽ ra thông báo tiếp” - ông Chính cho biết.
Theo Nghị định 34 thì chính sách bán nhà đã có những thay đổi quan trọng về đối tượng được mua nhà và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; về giá bán; phương thức bán; chế độ miễn, giảm; trình tự, thủ tục. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 61 là chính sách ưu việt của Nhà nước vì nó “bao cấp” giá cho các hộ dân. Khi Nghị định 34 thay thế, sẽ áp giá bán nhà quy định hằng năm của thành phố, đây là điều khác biệt so với Nghị định cũ (sẽ tăng từ 8 đến 15 lần). Tuy nhiên, NĐ 34 cũng mở ra rất nhiều, thông thoáng hơn trong công tác bán nhà. Ví dụ, những dạng mua nhà bổ sung thì sẽ được giải quyết.
Đặc biệt, theo ông Hoàng Trung Chính thì với dạng nhà mua gom về một chủ nếu theo NĐ61 thì để giải quyết cho trường hợp này cực kỳ khó khăn, nhưng ở NĐ34 lại mở ra việc giải quyết cho trường hợp đó theo giá đất của UBND thành phố hằng năm. Hiện nay, vấn đề đáng bàn là quản lý khu nhà chung cư sau khi bán ra sao? Nhà bán xong rồi thì phần diện tích hành lang, cầu thang, nóc nhà, sân thượng quản lý ra sao? Ai chịu trách nhiệm sửa chữa, duy tu?
Theo QĐ70 của thành phố thì đã giao cho Kiến trúc sư trưởng thành phố ra văn bản quản lý nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước sau khi bán. Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào, khiến cho các xí nghiệp nhà và các địa phương rất lúng túng trong công tác quản lý, xử lý khi xảy ra tranh chấp do thiếu cơ sở pháp lý.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc được mua nhà theo NĐ61, các Xí nghiệp nhà ở Hà Nội cần nhanh chóng xem xét rà soát lại tất cả những hồ sơ đã nộp, trường hợp nào đủ điều kiện mua nhà nhưng thiếu giấy tờ thì yêu cầu bổ sung ngay, những trường hợp nào đủ điều kiện thì phải giải quyết sớm để tránh thiệt thòi cho người dân