Chỉ đến gần đây, Chính phủ mới bắt đầu chú ý đến nguồn cầu từ người nước ngoài và sự quan tâm của họ đối với thị trường bất động sản Việt Nam cũng như xem xét những ảnh hưởng nếu có lên thị trường nội địa.
Giá mua nhà còn quá cao so với chi phí thuê nhà nên hầu hết các tổ chức nước ngoài vẫn ưa chuộng hình thức thuê hơn là mua căn hộ
Nghị quyết 19/2008/QH12 quy định về chương trình thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thời hạn 5 năm sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2013. Mới đây, Bộ Xây dựng soạn thảo sửa đổi một số điều của Nghị quyết 19, trong đó kiến nghị cần gỡ bỏ những quy định hạn chế mua nhà đối với người nước ngoài,tăng thời hạn thuê, nới lỏng điều kiện cho thuê, bán lại và mở rộng danh sách các loại hình bất động sản mà người nước ngoài được phép mua.
Theo đó, tất cả người nước ngoài có thị thực vào Việt Nam từ ba tháng trở lên sẽ được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, không giới hạn trong đối tượng nhà đầu tư hay cấp quản lý, lãnh đạo như trước đây. Không chỉ dừng lại ở đối tượng cá nhân người nước ngoài, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung thêm các quỹ đầu tư nước ngoài; các ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở tại đây. Bộ cũng kiến nghị sửa đổi theo hướng cho phéptổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ với diện tích khuônviên đất mỗi một nhà ở không quá 500m2.
Trước thông tin trên, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thùy Dung - Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Thưa bà, cơ chế mở nhưng số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là quá ít ỏi, nguyên nhân do đâu?
Kể từ khi thực thi Nghị quyết 19 năm 2009 đến nay, mới chỉ có hơn 100 trong 80.000 người nước ngoài (không bao gồm Việt Kiều) hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam đã mua nhà tại đây. Phần lớn là kết hôn với công dân Việt Nam trong khi số còn lại có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hoặc giữ vị trí quản lý trong doanhnghiệp được thành lập tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài mua cănhộ thậm chí còn ít hơn, chỉ vỏn vẹn 25 doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam bị giới hạn cùng nhiều quy trình cứng nhắc, nhiêu khê của chính quyền địa phương nên đã ảnh hưởng đến sức hút của bất động sản đối với người nước ngoài.
- Bà có thể nói rõ hơn những hạn chế của Nghị quyết trên?
Các hạn chế có thể kể đến như cấm chuyển nhượng, bán nhà ở trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp nhất; không được chobên thứ ba thuê; và không được sử dụng nhà ở làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng không được cho thuê căn hộ, thậm chí trong thời gian căn hộ bị bỏ trống do nhân viên nước ngoài của họ không ở Việt Nam.
Luật hiện hành cũng quy định người nước ngoài chỉ được mua một căn hộ với mục đích để ở, mục đích đầu tư và các mục đích khác không được cho phép. Chủ sở hữu phải đóng thuế ở Việt Nam và không được cho thuê lại tài sản của mình. Giới hạn về luật và thời hạn sở hữu không linh hoạt sau 50 năm ảnh hưởng đến sức hút của bất động sản đối với người nước ngoài.
Ngoài ra, còn do giá mua nhà còn quá cao so với chi phí thuê nhà nên hầu hết các tổ chức nước ngoài vẫn ưa chuộng hình thức thuê hơn là mua căn hộ.
Những thay đổi chính về quyền mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam (nguồn CBRE)
- Mới đây, Bộ Xây dựng có soạn thảo sửa đổi một số điều của Nghị quyết 19 trong đó có cho phép mở rộng đối tượng nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Liệu đây có phải là biện pháp chữa cháy hiệu quả ra nhằm giải quyết tồn kho BĐS không thưa bà?
Rõ ràng việc gỡ bỏ những hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam là một tin tốt lành, nhưng đây chưa phải là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề đã và đang tồn tại trong ngành bất động sản những năm vừa qua. Nghị quyết sửa đổi, nếu được thông qua, sẽ thu hút một lượng lớn nguồn tiền nước ngoài vào thị trường bất động sản, nhưng không thể trở thành nguồn vốn chính cho Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một biện pháp ‘chữa cháy’.
- Ở khía cạnh là Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam bà có nhận định như thế nào về động thái này trong thời gian tới?
Người nước ngoài đã, đang và sẽ theo dõi sát sao tình hình thị trường bất động sản Việt Nam và họ sẽ đồng ý mua nhà khi thấy thị trường hồi phục
- Vâng! Xin cảm ơn bà.