Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với tỉnh Thanh Hóa xem xét cụ thể về điều kiện, quy mô phù hợp và hiệu quả đầu tư Khu kinh tế Nghi Sơn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường từ Khu kinh tế Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân (khoảng 60 km) và giao tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo lập dự án và duyệt theo quy định; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT, BT, PPP...
Khu kinh tế Nghi Sơn là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp lọc-hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ôtô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung.
Khu kinh tế Nghi Sơn gồm 2 phân khu chức năng chính: Khu bảo thuế (phi thuế quan) và Khu thuế quan. Khu bảo thuế có diện tích khoảng 550 ha được bố trí gắn liền với cảng biển bao gồm khu bến cảng và hậu cảng (50 ha); khu trung tâm tài chính, dịch vụ, trung tâm điều hành, trung tâm quảng bá giới thiệu trưng bày sản phẩm, vui chơi giải trí (100 ha); khu chế xuất, công nghiệp tái chế (320 ha)... Khu thuế quan bao gồm khu cảng có diện tích mặt đất hậu cảng và bến cảng khoảng 860 ha và diện tích mặt nước khoảng 1.460 ha.
Diện tích đất phát triển công nghiệp đến năm 2025 khoảng 2.965 ha, gồm khu công nghiệp lọc hóa dầu 550 ha tại xã Mai Lâm và Hải Yến, khu công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu biển 65 ha tại phía Nam đảo Nghi Sơn, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1.800MW tại xã Hải Hà, khu công nghiệp luyện kim 255 ha tại xã Hải Hà và Hải Thượng, nhà máy xi măng Nghi Sơn 110 ha...
Thanh Hoá là một tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc, vùng trọng điểm kinh tế Trung Bộ. Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 11,1 nghìn km2, với dân số khoảng 3,4 triệu người (đứng thứ 3 cả nước về dân số); trong đó, độ tuổi lao động khoảng 2,2 triệu người (chiếm gần 65%); có 7 dân tộc (Kinh chiếm gần 85%, Mường gần 9%) còn lại là các dân tộc Thái, H’Mông, Dao, Hoa. |