Ông L.Mason Cobb, Chủ tịch Hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare, cho biết đã sống, làm việc và lập gia đình có con cái tại VN 17 năm nay. Tuy nhiên, ngôi nhà mà vợ chồng ông đang ở là do chị vợ của ông đứng tên sở hữu giúp. Lý do là cả hai ông bà không ai đủ tiêu chuẩn mua nhà tại VN do ông Cobb là người nước ngoài còn vợ là Việt kiều. “Rất hiếm có quốc gia nào mà người nước ngoài đến mua nhà lại không thể đứng tên sở hữu. Có thể từ một nguyên nhân sâu xa do lịch sử để lại. Tôi cảm thấy người Việt vẫn còn có tư tưởng e sợ người nước ngoài khi họ quyết định định cư lâu dài tại VN”, ông L.Mason Cobb nhận xét.
Người nước ngoài kỳ vọng
Thực tế, câu chuyện của ông Cobb không mới và chỉ là một trường hợp nhỏ trong vô vàn trường hợp người nước ngoài mua nhà ở nhưng không được đứng tên sở hữu, phải nhờ người khác đứng tên.
Luật sư Frederick R.Burke, Giám đốc điều hành của hãng luật Baker & McKenzie tại VN - người đã có hơn 20 năm sống tại VN, từng được báo giới ví von là “người Mỹ thầm lặng” bởi ông có nhiều đóng góp cho các cuộc đàm phán thương mại giữa VN và các nước, đặc biệt là với Mỹ, nhận xét: Luật nhà ở dành cho người nước ngoài là một trong những điều luật mà VN cần có nhiều điều chỉnh thay đổi khi đã hội nhập, đặc biệt trước thềm đón TPP sắp tới.
Ông Richard J.Hebert (Canada), ở VN đã 9 năm nay cũng nhận xét quy định về sở hữu nhà ở dành cho người nước ngoài là “không giống ai”. Ông Hebert nói: “Tôi đã từng có ý định mua nhà, rồi chờ đợi luật sẽ thay đổi theo lời hứa của cơ quan quản lý, rồi lại chờ đợi đến khi có quy định gọi là thí điểm cho người nước ngoài mua nhà, rồi vẫn không được. Chỉ trừ khi tôi phải cưới vợ VN để vợ mình đứng tên sở hữu nhà. Nhưng xin lỗi, tôi nay đã 70 tuổi và vẫn còn vợ ở quê nhà. Tôi mong chờ luật sắp tới sẽ được thay đổi bình đẳng giữa người trong và ngoài nước về quyền sở hữu nhà hơn”.
Một người nước ngoài khác, ông Cheong Ho Kuan (Malaysia) cũng bày tỏ: “Nếu mua nhà mà phải tìm người đứng tên hộ thì có cái gì đó không minh bạch và vô lý quá. Pháp luật cho người nước ngoài mua nhà vẫn chưa rõ ràng là lý do lớn cản trở chúng tôi. Tôi hy vọng lần này có thể mua nhà và đứng tên sở hữu ngôi nhà của mình”. Đồng quan điểm này, ông Robert Trần (Canada) cho rằng, có quá nhiều rủi ro khi phải nhờ người khác đứng tên tài sản. Và cũng quá bất công khi những người nước ngoài đã đến VN làm việc, đóng thuế như một công dân VN lại không có quyền quyết định tài sản của mình khi muốn sống lâu dài hay chọn VN làm quê hương thứ hai của mình.
"Cởi trói" chính mình
PGS-TS Đinh Xuân Thảo chia sẻ: “Kỳ họp Quốc hội (QH) khóa 12 đã từng thí điểm mở cửa cho người nước ngoài mua nhà nhưng đến nay vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Tôi nghĩ người nước ngoài có nhu cầu chỗ ở, trong khi bất động sản VN lại đang thừa nguồn cung, việc bán bớt nhà thương mại để lấy vốn đó phát triển nhà ở xã hội là điều đáng bàn. Để thực hiện việc này, nới luật nhà ở cho người nước ngoài sở hữu nhà là điều cần thiết. Ngoài ra, việc để đứng tên hộ tài sản của người nước ngoài thực tế đã gây nên bao hệ lụy như kiện tụng, tranh chấp khi có việc xảy ra”.
TS Lê Nết, hãng luật LNT Partners cho rằng, đã cho phép người nước ngoài mua nhà thì “cho tới nơi”, chứ nếu không thì khi triển khai các cơ quan chức năng có nhiều cách giải thích khác nhau lại dễ dẫn tới tiêu cực. “Tôi làm việc với nhiều doanh nhân nước ngoài và thấy họ nhìn nhận việc mua nhà ở VN rất quan trọng. Người nước ngoài có vợ ở VN và thường là vợ đứng tên nhà cửa, rủi ro xảy ra là có thể ly hôn thì việc giải quyết nhà cửa rất khó. Trong trường hợp khác, việc họ để lại thừa kế cũng phức tạp. Trẻ em là con của người nước ngoài và người VN, bố hoặc mẹ không có “thẻ xanh” ở lâu dài tại VN, không có nhà cửa ở đây thì làm sao thực hiện đúng các quy định về luật pháp trong việc chăm sóc con cái”, TS Lê Nết nói. Theo ông, nguồn cung nhà ở hiện nay quá nhiều mà nguồn cầu quá ít, trong khi hệ thống ngân hàng đang gánh khoản nợ xấu từ bất động sản. Vì vậy, TS - luật sư này cho rằng, “muốn cứu thị trường bất động sản, cứu ngân hàng, cứu ngành thép, ngành xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân mà nội lực không đủ thì chắc chắn phải cần ngoại lực là cho người nước ngoài mua nhà”.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Đinh Xuân Thảo nói thẳng, việc quyết tâm xử lý nợ xấu khiến nhiều người cho rằng phải đẩy mạnh thị trường bất động sản bằng mọi giá mà quên mất nguồn lực quan trọng là người nước ngoài hiện đang làm việc và sinh sống tại VN. Đây là một đánh giá xác đáng bởi theo ông L.Mason Cobb: “Nói đâu xa, đối tác, đồng nghiệp, bạn bè của tôi, rất nhiều người chia sẻ muốn mua nhà nhưng không chấp nhận việc để người khác đứng tên, bởi không phải người nước ngoài nào cũng gặp được người đồng hành với mình đến suốt đời. Chính những người này sẽ là khách hàng tiềm năng của thị trường bất động sản VN”.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành thì tỏ ra khá sốt ruột khi những lo ngại về quyền sở hữu nhà dành cho người nước ngoài được một số đại biểu QH đặt ra. Ông Thành nói: “Lịch sử có nhiều người Pháp sở hữu nhà ở Canada cả 100 năm nay, họ về Pháp, họ sang Mỹ sống, họ đâu có bê nhà đi được. Ngay tôi từng là nhà đầu tư bất động sản ở Pháp, tôi được tạo mọi điều kiện tối đa để phát triển, nay tôi về VN, dự án của tôi vẫn còn bên đó. Chúng ta đang chứng minh với thế giới một VN thân thiện, cởi mở, thông thoáng và cầu thị, nhưng tư duy mở cửa he hé khiến chúng ta mất điểm ngay trên sân nhà. Nếu bấm nút thông qua luật này, chúng ta đã cởi trói về tư duy của chính chúng ta trong quan điểm nhìn người nước ngoài chứ chưa hẳn là cởi trói giúp họ, những người nước ngoài”.
-
Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác?
UBND thành phố Bảo Lộc vừa báo cáo một số nội dung về sự bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
-
Hạn chót báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo về Luật đất đai (sửa đổi)
Thủ tướng ấn định thời hạn Bộ TN&MT phải trình lên dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1/4, trong đó báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. Theo thống kê của Bộ TN&MT, cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến đóng góp của người dân....
-
Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần
HoREA đề xuất không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần.