Cơn lốc đầu tư xây dựng các khu du lịch, resort dọc bờ biển các tỉnh - thành miền Trung đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Hàng nghìn ha rừng phòng hộ ven biển đã bị phá đi, làm thay đổi cả cảnh quan, môi trường ven biển. Không những thế, nhiều nơi còn lấn, thậm chí lấp biển để xây dựng.


Hủy hoại thiên nhiên và môi trường


Miền Trung: Xây resort tàn phá rừng phòng hộ
Phá rừng phòng hộ, lấn biển xây các khu du lịch, resort đã diễn ra ở hầu hết địa phương có bờ biển. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

10 năm trước, suốt chiều dài gần 40km bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam được phủ kín bởi những rừng phi lao xanh mướt. Thế nhưng bây giờ chỉ còn trơ trọi những bãi cát trắng hay những khu du lịch, resort quy mô đồ sộ. Chỉ riêng trên tuyến đường ven biển nối từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Hội An (Quảng Nam) đã có trên 30 dự án khu du lịch, resort đang triển khai xây dựng.


Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đà Nẵng, nuối tiếc: “Thật đau xót khi thấy người ta triệt hạ những rừng cây hàng chục năm tuổi để xây dựng các dự án du lịch ven biển. Hồi đó, với tư cách là người làm công việc phòng chống lụt bão, tôi đã có ý kiến với lãnh đạo TP về việc cần phải giữ lại rừng ven biển để phòng chống bão và chống xâm thực của biển; các dự án có thể lùi vào trong. Thế nhưng ý kiến đó bị bỏ qua và rồi các khu du lịch, resort cứ được cấp phép xây dựng sát mép biển. Trước đây, nhờ có những tấm lá chắn rừng cây cao ngút, mỗi khi có bão đổ bộ vào, người dân Đà Nẵng đâu bị thiệt hại nặng như bây giờ”.


Còn nhớ hồi tháng 11-2007, nhiều người dân ở Đà Nẵng thật ngỡ ngàng khi biết UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon) triển khai dự án khu đô thị Đa Phước trên vịnh Đà Nẵng. Để thực hiện dự án này, 180ha mặt nước vịnh Đà Nẵng bị san lấp. Đây là dự án lấp biển lớn nhất miền Trung. Đến nay, việc lấp biển gần như đã hoàn thành. Một vùng biển rộng lớn rồi đây sẽ mọc lên khách sạn, trung tâm hội nghị, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự…


Tự làm hại mình


Hiệu quả kinh tế do việc đầu tư BĐS du lịch tràn lan chưa thấy rõ, nhưng các tỉnh miền Trung đã phải trả giá cho việc phá rừng phòng hộ ven biển. Những năm gần đây, mỗi khi có bão đổ bộ, nhiều nhà của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam bị gió thổi bay. Các trục đường ven biển từ Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) kéo dài đến khu vực Xuân Thiều (Đà Nẵng) bị sóng biển đánh nát, sụp đổ nhiều đoạn.


Càng ngày sóng biển càng xâm thực mạnh, tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc bị sạt lở sâu vào cả chục mét. Tại khu vực bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của triều cường, sóng biển đã đánh toạc hơn 50m bờ tường chắn sóng phía Đông đường Hoàng Sa - Trường Sa và tiếp tục ăn sâu vào lề đường.


Ông Nguyễn Văn Minh - người dân ở đây - cho biết: “Trước đây khu vực này không bị sóng biển xâm thực mạnh như thế. Thời gian gần đây thường xuyên có sóng đánh rất mạnh trong khi không có rừng cây bảo vệ như trước nên mới xảy ra sạt lở”.


Ngược về hướng Tây Bắc, trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài hơn 10km, tình trạng biển xâm thực còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Mọi chuyện bắt đầu từ khi hàng chục ha rừng phi lao bị phá bỏ để làm tuyến đường chạy sát bờ biển này. Chỉ qua một trận bão hồi tháng 6-2006, cả tuyến đường đã bị sóng biển đánh tan hoang, nhà cửa sụp đổ.


Anh Thái Bá Lợi ở phường Xuân Hà kể: “Trước đây khi chưa mở tuyến đường này, rừng phòng hộ ven biển phủ kín mít nên dù nhà cửa tạm bợ vẫn chống đỡ được với bão. Nhưng khi rừng bị phá đi, nhà xây kiên cố cũng bị sập”.


Hướng biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) tình trạng biển xâm thực vào đất liền cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tình trạng này bắt đầu xảy ra từ trận lũ lịch sử năm 1999. Từ đó đến nay, hơn 1km bờ biển tiếp tục bị lở sâu vào đất liền gần 300m.


Mặc dù từ năm 2003 UBND tỉnh Quảng Nam chỉ cho phép xây dựng dự án du lịch nằm trong hành lang cây xanh rừng phòng hộ tối thiểu 20m, nhưng một số dự án du lịch vẫn phá rừng phòng hộ để xây dựng sát mép biển.


Các nhà đầu tư cũng đã vô tình tự làm hại mình, những công trình đồ sộ của các dự án du lịch tại đây đã bị sóng biển đánh sập. Bà Lê Thị Cần - người dân tại đây - lo lắng: “Rừng phòng hộ chống chọi với sóng gió miền biển tốt nhất. Mất rừng, biển lấn vào là điều khó tránh khỏi. Nếu không kè sớm, cứ đà này 5-10 năm nữa đất liền sẽ hóa biển sâu”.


Với những gì đang diễn ra trên suốt chiều dài ven biển từ Quảng Nam đến Đà Nẵng như hiện nay, liệu rằng trong 5-10 năm nữa, một khi dự báo nước biển dâng trở thành hiện thực, không biết hậu quả các khu du lịch, resort phải gánh chịu sẽ lớn đến mức nào.


Những tuyến đường xây dựng sát bờ biển hiện nay như tuyến Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) sẽ chịu đựng được bao nhiêu trận bão nữa. Bởi có xây dựng bờ kè cũng sẽ bị phá tan tành như hồi cơn bão năm 2006.

Theo Nguyễn Hùng (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.