23/07/2021 7:31 AM
Việc xây dựng Nghị định mới quy định về hoạt động lấn biển cần được cân nhắc thận trọng, tránh chồng chéo, thêm thủ tục hành chính; bảo đảm không thất thoát ngân sách Nhà nước...

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển.

Thông báo kết luận nêu rõ, theo báo cáo và hồ sơ kèm theo thì phần lớn nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển đã được quy định trong Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành ngày 10/2/2021 (có hiệu lực thi hành từ 30/3/2021) quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Việc xây dựng Nghị định mới cũng quy định về hoạt động lấn biển nên cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, trùng lặp, thêm thủ tục hành chính.

Đặc biệt cần lưu ý tính khả thi khi xác định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong điều kiện chưa san lấp mặt biển như dự thảo Nghị định, bảo đảm không để thất thoát ngân sách Nhà nước, không trái với các quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 11 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển. Dự thảo có 5 chương, 20 điều, hướng tới mục tiêu tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động lấn biển; kiểm soát chặt chẽ và đưa ra giải pháp lấn biển hiệu quả.

Hoạt động lấn biển sẽ giúp Việt Nam vươn ra biển, tạo ra không gian phát triển kinh tế-xã hội cho các khu vực ven biển, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra phức tạp ở ven biển hiện nay.

Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp biển (chiếm tới gần 1/2 diện tích và dân số của cả nước), có 136 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (trong đó có 12 huyện đảo) và 675 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển; dọc bờ biển Việt Nam có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc- Trung- Nam.

Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, du lịch và quá trình đô thị hóa. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời. Nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau…

Khu vực lấn biển là khu vực biển không thuộc khu bảo tồn, khu tránh trú bão, cảng biển, luồng hàng hải và các khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, do chưa có những quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động này nên trong những năm qua hoạt động lấn biển chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí gây tác động không nhỏ đến hệ sinh thái và làm ô nhiễm môi trường biển.

Đỗ Phong (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.