Thuận lợi cho công tác điều hành, quản lý
Nghị quyết số 15/NQ/TW ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội chỉ rõ, cần "xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội", "phân công, phân cấp mạnh, cho phép Thủ đô được chủ động thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng vốn; về quản lý dân cư, nhà đất...". Thực hiện chủ trương này, ngày 22-11-2012, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thủ đô và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Trên thực tế, đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra với tốc độ rất nhanh, vượt khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, dân cư tăng đột biến, ngoài ra còn vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập lụt, ách tắc giao thông... mà những quy định chung của pháp luật không thể giải quyết. Luật Thủ đô cho phép thành phố xây dựng những cơ chế riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành, quản lý. HĐND thành phố đã ban hành 14 Nghị quyết để cụ thể hóa các nội dung của Luật theo thẩm quyền.
Đối với lĩnh vực "nóng" nhất hiện nay là quy hoạch - xây dựng, HĐND thành phố có Nghị quyết số 06/2013/NQ-NQ-HĐND. Đến nay, 100% các dự án nhà ở, khu đô thị mới có quy mô 10 ha trở lên đều để 25% đất hoặc 25% quỹ sàn nhà dành cho nhà ở xã hội. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải được quan tâm, ưu tiên đầu tư. Thành phố ban hành chính sách ưu tiên phát triển hệ thống hành khách công cộng, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến, bãi đỗ xe, áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành giao thông vận tải... Trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển nhà ở, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô như Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại; hoàn thành và đưa vào vận hành các Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu...
Đối với lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thành phố đã công bố Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội; chỉnh trang một số tuyến phố trong khu phố cổ; phê duyệt Đề án đầu tư, tôn tạo bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm... Đồng thời, các cấp có thẩm quyền đã xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí, bảo tồn, phát huy giá trị di sản…
Vẫn còn những vướng mắc
Sau ba năm triển khai Luật Thủ đô, việc xây dựng, thực thi những cơ chế đặc thù đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô. Thành phố cũng chủ động hơn trong việc thu hút các nguồn lực để phát huy các tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Thủ đô vẫn còn gặp phải một số vướng mắc. Chẳng hạn như quy định về việc dành 25% diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trên 10 ha rất khó triển khai khi áp dụng với các khu đô thị, dự án nhà ở cao cấp. Bởi vì quy hoạch dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp và nhà ở xã hội là không tương thích với nhau trong khi chung hạ tầng kỹ thuật. Nếu cố "ép" thực hiện thì khi đưa vào sử dụng giá dịch vụ trong khu đô thị, dự án nhà ở cao cấp sẽ gây khó khăn cho đối tượng mua nhà xã hội. Quy định này cần có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với tình hình thực tế. Một lĩnh vực khác cũng chưa có chuyển biến đáng kể là cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Luật Thủ đô đề ra mục tiêu phải cải tạo chung cư cũ để bảo đảm an toàn cho nhân dân, nhưng phải tuân thủ theo quy hoạch. Nhưng nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định về độ cao, mật độ xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm diện tích căn hộ tái định cư của các hộ dân thì không bảo đảm lợi nhuận của các doanh nghiệp thực hiện, khiến các đơn vị không mặn mà với việc này. Chưa kể những bất cập trong việc di dời trụ sở của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, phần lớn diện tích đất sau khi di dời được đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, do đó ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung Thủ đô. Nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án này được dùng để đầu tư trở lại cho các bộ, ngành là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 15 Luật Thủ đô.
Để việc Luật Thủ đô phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô, tổ chức khảo sát, nghiên cứu để đề xuất bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô như quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Thủ đô nhằm nâng cao hơn nữa việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với việc di dời trụ sở các bộ, ngành, thành phố đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi các quy định hiện hành để giao các cơ sở nhà đất sau khi di dời cho thành phố để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Hà Nội cũng đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ thành phố đầu tư một số công trình dự án quan trọng về môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô lớn vượt quá khả năng cân đối của ngân sách của thành phố; xem xét, phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050... Về phía Hà Nội, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, đúng tiến độ các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô ở các cấp, ngành, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách đặc thù đã được quy định trong Luật Thủ đô, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội.