Trao đổi bên ngoài hành lang với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng buổi gặp mặt như vậy là diễn ra tốt đẹp và ông Đặng Hùng Võ là anh hùng khi dám đối diện với nhân dân Văn Giang.
Chiều 8/11, cuộc gặp mặt giữa GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường với người dân Văn Giang đã diễn tại hội trường ở số 83 đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).

Buổi gặp mặt này xuất phát từ những ý kiến của người dân Văn Giang việc 8 năm trước đây, GS. Đặng Hùng Võ đã ký 2 Tờ trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất để xây dựng con đường cao tốc nối TP. Hưng Yên và Hà Nội qua cầu Thanh Trì và khu đô thị nhà vườn Ecopark nằm trên đường cao tốc đó tại ranh giới Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên).

Buổi tranh luận giữa GS. Đặng Hùng Võ với những người dân Văn Giang và Luật sư Trần Vũ Hải
Buổi tranh luận chủ yếu giữa Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), một số người dân Văn Giang và GS. Đặng Hùng Võ xoay quanh vấn đề về thẩm quyền giao đất và quyết định giao đất liệu có được thực hiện theo quy hoạch có từ trước.

Cụ thể, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng 2 Tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường đáng lẽ ra phải trình lên Chính phủ chứ không phải là Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, vị luật sư này cùng một số người dân cũng tỏ ra nghi ngờ tốc độ trong việc thực hiện thủ tục trình và thu hồi nhanh liệu có liên quan đến lợi ích nhóm nào không hay chỉ thuần túy là lợi ích Quốc gia.

Trả lời câu hỏi này, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định chủ trương thu hồi đất như vậy là đúng đắn bởi con đường cao tốc từ Hưng Yên về Hà Nội qua cầu Thanh Trì rất quan trọng mang tính chiến lược. Vị GS này cho biết với mức độ quan trọng và cần thiết nên phải đẩy nhanh tiến độ nếu không dự án sẽ bị chậm một thời gian tính bằng năm.

“Trước khi đặt bút ký gấp 3 văn bản trình Thủ tướng vào năm 2004, tôi đã phải cân nhắc việc ký hay không ký. Nếu ký sẽ có điều tiếng cho rằng tỉnh Hưng Yên vừa trình hôm trước, hôm sau mình đã trình... Thực sự, đó là tiếp nối của cả một quá trình lập dự án từ những năm trước đó”.

Luật sư Hải cho rằng việc đẩy nhanh việc ký duyệt các văn bản chỉ phục vụ cho chủ đầu tư dự án. Một số người dân Văn Giang nói chính quyền đã biết có dự án từ năm 2003 nhưng năm 2006 người dân mới biết. Luật sư Hải yêu cầu cần mổ xẻ hồ sơ vụ việc, và các chữ ký liên quan có thật hay không và cả việc chính quyền địa phương lúc xác nhận biết dự án đổi đất lấy hạ tầng, nhưng sau đó lại nói không biết gì.

Không đồng ý với ý kiến trên, Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định khi có dự án thì chính quyền đều biết từ năm 2004, có biên bản cuộc họp ở huyện Văn Giang. Giáo sư Võ cũng cung cấp biên bản họp HĐND huyện Văn Giang và chủ tịch các xã.

Luật sư Hải cho rằng biên bản mà ông Võ trình lên chưa đúng luật vì không có chữ ký đầy đủ của người tham gia và không có dấu khi các tờ trình cũng không đúng về văn bản pháp luật. Luật sư Hải cung cấp cho báo chí tờ trình số 14 mà luật sư cho rằng chưa đúng theo quy định pháp luật.
Sau khi tranh luận, GS. Đặng Hùng Võ nói: “Tôi công nhận là không đúng thẩm quyền, tức là trái pháp luật. Nhưng kể cả trường hợp nếu có sự ủy quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ ký cũng không đúng pháp luật thì cũng không phù hợp pháp luật trong trường hợp này. Điểm thứ hai là điều chỉnh kế hoạch mà không điều chỉnh quy hoạch thì cái đó cũng không đúng. Ở cương vị cá nhân tôi mà không giám sát được việc để có chệch choạc thì mình cũng phải chịu trách nhiệm. Còn những gì đã gây ra thất thoát cho bà con thì đó là lỗi của tôi”.
Nghe ông Võ nói, những người dân trong hội trường đều vỗ tay tán thưởng. Ông Võ nói tiếp: “Cái gì sai thì phải sửa. Trong buổi gặp mặt hôm nay, tôi muốn là chúng ta thẳng thắn với nhau, nhìn vào sự thật. Tôi cũng đề nghị bà con kiểm tra tiếp tôi có dính líu gì đến dự án Việt Hưng (một dự án đang được triển khai tại Văn Giang, Hưng Yên – PV) hay không. Tôi nghe nhiều người nói mà tôi rất bực mình chuyện đó”.

GS. Đặng Hùng Võ trong buổi gặp mặt người dân huyện Văn Giang (Hưng Yên)

Ông Phạm Hoành Sơn, một đại diện người dân Văn Giang cho biết: “Chúng tôi mong muốn đổi mới. Về con đường như GS nói thì chúng tôi thấy trên bản đồ thì đã có những con đường song song với nó rồi và nếu để phát triển thì chỉ cần nâng cấp lên là đủ, không cần thiết phải mở một đoạn đường ngắn kia nữa. Nhưng đã làm rồi thì chúng tôi không có băn khoăn gì nữa. Ở chúng tôi có làng nghề với hiệu quả kinh tế cao, hàng năm xuất khẩu thu về một lượng ngoại tệ lớn.


Mong muốn của chúng tôi là cần phải giữ lại một phần đất để phát triển làng nghề mà hiện nay cả nước không ở đâu bằng. Chúng tôi muốn dừng dự án đến như hiện nay thôi, và phần đất còn lại sẽ được giữ lại bên cạnh khu đô thị thương mại kia để hai bên cùng có lợi. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết cỡ cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nhà nước ổn định, dân chúng tôi có đất để phát triển”.

Bà Đỗ Thị Dơi, một người dân Văn Giang khác cho biết: “Về lý mà sai thì dự án phải hủy đi nhưng người dân không muốn điều đó. Chúng tôi chỉ muốn những phần đất chưa thu hồi được thì để lại cho người dân sản xuất”.

Sau phát biểu của GS. Đặng Hùng Võ, Luật sư Trần Vũ Hải đánh giá: “Có thể coi GS. Đặng Hùng Võ là một anh hùng khi đã đến đây đối diện với bà con Văn Giang đang trong tâm thế bức xúc”.

Luật sư Trần Vũ Hải đại diện người dân Văn Giang tranh luận với GS. Đặng Hùng Võ tại buổi gặp mặt

Sau khi kết thúc buổi gặp mặt, ông Đàm Văn Đồng, một người dân Văn Giang chia sẻ: “Tôi đánh giá ông Đặng Hùng Võ rất cao khi ông về hưu rồi mà không ngại tiếp xúc với chúng tôi. Nói chuyện một cách thẳng thắn và đã nhận thấy những cái sai trong hai văn bản mà mình đã ký.

Ngày mai, TAND huyện Văn Giang xét xử các đối tượng hành hung nông dân Văn Giang, trong đó tôi là một trong những nạn nhân”…

Trao đổi với phóng viên về đề xuất của người dân Văn Giang, GS Đặng Hùng Võ cho biết: “Bây giờ tôi chỉ có việc là đề xuất về vấn đề của người dân ở Văn Giang thôi. Tôi cho là, đề xuất của bà con về việc thu hồi đất chỉ dừng ở đó và gắn đô thị với dân cư tại chỗ là đề xuất đúng. Vì một trong những bài tôi đã viết về bồi thường hỗ trợ thì một trong những cách bồi thường hỗ trợ để tạo ra khu dân cư mới là việc lấy dân cư tại chỗ làm nòng cốt để phát triển đô thị. Đó là cách mà các nước vẫn làm.

Tôi cho rằng có thể thực hiện đề xuất kia của bà con Văn Giang. Tuy nhiên, cũng có cái khó là câu chuyện quy hoạch giữa tỉnh Hưng Yên với Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Tôi chỉ có thể đưa ra đề xuất, dự án gặp phải phản ứng rất lớn, do đó cần phải thay đổi để việc này trở thành một hình mẫu trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ”.

“Tôi vẫn đang cố gắng để người dân hiểu rằng cái trái thẩm quyền nó có hoàn cảnh. Nhưng người dân không muốn hiểu vì họ bức xúc quá, chẳng thể làm thế nào được. Chúng ta có thể thông cảm…

Trong giai đoạn ấy luật pháp về đất đai rất lơ mơ, có thể xây dựng luật thì chặt chẽ nhưng thực hiện hầu như các chính quyền địa phương mỗi nơi một kiểu. Việc ưu tiên tôi cho là có lý do chính đáng, địa phương đang nghèo nàn như thế tự nhiên có nhà đầu tư đến, để họ chờ mãi thì không được. Nếu không ưu tiên thì người ta sẽ đi”.

Ông Đặng Hùng Võ nói sau khi kết thúc buổi gặp mặt.

Theo Hồng Chính Quang (GDVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.