19/06/2014 9:04 PM
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, do cơ chế định giá đất còn nhiều bất cập (giá đất chưa phù hợp với giá thị trường) nên khi Nhà nước thu hồi đất đã phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện, khiếu nại, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng của nhiều dự án.

Vướng mắc trong việc định giá đất làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, hiện nay cơ chế định giá đất của Nhà nước vẫn còn một số điểm bất cập.

Thứ nhất, khung giá đất hiện nay được quy định cho một thời gian khá dài, trong khi thị trường bất động sản vận động, thay đổi liên tục làm cho mức giá nhanh chóng trở nên lạc hậu, thấp hơn nhiều so với thị trường. Chính điều này đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, phát sinh khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải phòng mặt bằng.

Cho đến nay, hệ thống cơ quan định giá đã hình thành, nhưng sự phân công vẫn còn chồng chéo, tính chuyên nghiệp chưa cao, trong khi phần định giá Nhà nước chủ yếu theo cơ chế hội đồng (liên ngành), chưa có hệ thống quản lý, theo dõi, cập nhật tình hình thị trường...

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác định định giá đất giáp ranh, nhất là tại các dự án, công trình liên tỉnh như các tuyến đường giao thông, đường cao tốc, đường liên tỉnh hay những dự án thủy điện lớn mà việc thu hồi đất liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều tỉnh cũng còn vướng mắc.

Đơn cử như khi nâng cấp đường 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng sẽ phải đi qua 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuy nhiên, giá đất nông nghiệp ở mỗi tỉnh quy định khác nhau nên khung giá đền bù cũng khác nhau. Do đó nhiều người dân không đồng thuận và khiếu kiện.

Thậm chí, ngay trong một tỉnh, thành phố cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện. Đơn cử, ngay tại Hà Nội, giá đất tại huyện ngoại thành Từ Liêm cao hơn cả các quận nội thành như Long Biên, Hà Đông.

Nhằm tháo gỡ những vướng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực vào 1/7 tới đây đã quy định rõ việc định giá đất phải tuân theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá theo thời hạn sử dụng đất.

Luật này cũng quy định việc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng. Trong cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.

Đối với trường hợp các địa phương không thống nhất được giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo đó, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa, hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong khung giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất. Khung giá đất này sẽ được sử dụng làm căn cứ để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương.

Luật cũng quy định giá đất trong bảng giá đất phải áp dụng theo nguyên tắc đất thuộc loại đất nào thì áp dụng khung giá đất của loại đất đó theo quy định và phải phù hợp với khung giá đất../.

Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.