31/03/2013 8:53 AM
Những tranh cãi vừa qua về vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9 (cạnh Hồ Gươm) chỉ là phần nổi của thực tế: Hà Nội đang ở tình trạng lộn xộn và thiếu đồng bộ nghiêm trọng về một hệ thống các công trình ngầm.

Được phê duyệt từ cách đây 3 năm, 6 tuyến đường sắt đô thị (gồm cả tàu điện ngầm và tàu điện trên cao) của Hà Nội mới chỉ dừng ở những bước bắt đầu đơn giản nhất: lập quy hoạch, tạo mặt bằng, xây trụ móng. Thế nhưng, hàng loạt vấn đề của nó đã được nhắc tới trong cuộc tọa đàm Ga tàu điện ngầm: bảo tồn và hiện đại (do Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn tổ chức chiều 29/3).

“Tranh luận trong tình trạng mù mờ”

Thực chất, đây chỉ một buổi trao đổi chuyên môn nhỏ của người làm nghề. Nhưng, dư luận về chuyện “ga tàu điện ngầm phá nát Hồ Gươm” đã khiến cuộc tọa đàm có sự tham gia của khá nhiều chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc như GS.KTS Hoàng Đạo Kính, KTS Nguyễn Lân và đặc biệt là ông Hoàng Ngọc Minh (Phó Giám đốc Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội)

Đã phổ biến tại hơn 100 thành phố phát triển trên thế giới, mô hình các tuyến tàu điện ngầm gần như là lựa chọn bắt buộc của Hà Nội trong tương lai, khi quỹ đất “nổi” dành cho giao thông công cộng ngày càng bị thu hẹp bởi sự phát triển dân số. Ngược lại, tại Hà Nội, khu vực đông dân cư và có nhu cầu về tàu điện ngầm lớn nhất lại chính là vùng “lõi” trung tâm - nơi đậm đặc các di tích lịch sử và văn hóa. Làm sao để có sự cân bằng trong bài toán ấy?

Mô hình một nhà ga đường sắt đô thị Hà Nội

“Đó cũng chính là mâu thuẫn muôn thủa giữa hai vấn đề bảo tồn di sản và phát triển đô thị” - Ông Nguyễn Lân (nguyên KTS trưởng Hà Nội) - nhận định - “ Có tàu điện ngầm, nhu cầu đặt một nhà ga tại khu vực Hồ Gươm là hợp lý và chính đáng. Cái cần bàn là vị trí chi tiết và thiết kế của nhà ga đó. Mà điều này lại rất khó nói, khi chúng ta chưa hề có một bản quy hoạch tổng thể các hệ thống giao thông ngầm của Hà Nội trong tay”.

Theo phân tích của ông Lân, tùy vào quy hoạch, các ga tàu điện ngầm có thể là ga chính (nối thông với những đầu mối giao thông quan trọng của đường bộ) hay là ga phụ (chỉ có chức năng đón thêm người để tiếp tục vận hành về phía các đầu mối quan trọng).

Hiện tại, tính chất của ga C9 (cạnh Hồ Gươm) chưa được làm rõ. Nếu là ga chính, hàng loạt vấn đề sẽ được đặt ra thêm: không gian chính, thiết kế bên ngoài của nhà ga, khoảng cách kết nối với những vùng không gian trống trên mặt đất, thậm chí là với công trình ngầm sẽ xuất hiện trong tương lai như: bãi đỗ xe, đường thông ra bến xe bus hay các bảo tàng ngầm...

“Nếu là một ga phụ để đón khách, thiết kế của nhà ga rất đơn giản. Có khi chỉ cần vài mét vuông trên mặt đất, cộng cùng một mái che cho cầu thang dẫn xuống đường chờ tàu là chúng ta có một nhà ga rồi” - KTS Nguyễn Đình Thành nói thêm - “Bởi thế, tôi nghĩ nên xác định tính chất của nhà ga trước, sau đó có thể thử đưa ra một số vị trí khác nhau để có sự lựa chọn, thay vì tranh luận trong tình trạng mù mờ như bây giờ”.

Thiếu đồng bộ từ quy hoạch giao thông chung

Trao đổi với các KTS, ông Hoàng Ngọc Minh (Phó Giám đốc Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội) cho biết: việc quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội quả thật đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc thù về kĩ thuật và cấu tạo địa tầng, hệ thống các tuyến đường sắt đô thị bắt buộc phải có những yêu cầu riêng về vị trí, trong khi vẫn phải tuân thủ quy hoạch chung của thành phố và yêu cầu của nhà đầu tư (vì được xây bằng vốn ODA từ Nhật Bản).

“Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận những phản biện từ dư luận. Chỉ xin nói thêm: Cái khó lớn nhất của đường sắt đô thị hiện nay đến từ sự thiếu đồng bộ của quy hoạch giao thông chung” - Ông Minh nói - “Gần như, mỗi dự án giao thông của chúng ta lại thuộc về một tổng thể riêng, với thiết kế và nhà đầu tư riêng”.

Theo ông Minh, rất nhiều bất cập xảy ra trong quá trình lập quy hoạch cho hệ thống đường sắt đô thị hiện tại. Ví dụ, trên thế giới, ở những điểm đường sắt đô thị giao nhau, quy hoạch chỉ đặt một nhà ga cho cả vùng không gian... Còn trong bản quy hoạch ban đầu của hệ thống đường sắt đô thị hiện tại, có những nhà ga lại chỉ đặt cách nhau chưa đầy 100 mét. Chưa kể, đường sắt đô thị còn “vướng” rât nhiều dự án tương lai khác. Chẳng hạn, với cầu vượt nhẹ đang xây ở ngã tư Daewoo, Ban quản lý dự án đã phải rất vất vả làm việc để không ảnh hưởng tới không gian của 2 tuyến đường sắt đô thị chạy qua đây.

Như nhận xét chung của các KTS tại tọa đàm, một trong những chức năng quan trọng của tàu điện ngầm là “giải quyết và bổ sung những thiếu sót đang tồn tại trên mặt đất”. Nhưng, với sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch, những vấn đề phức tạp liệu có phát sinh cùng sự ra đời của những tuyến tàu điện này trong tương lai?

Tùng Sơn (Thể thao văn hóa)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.