14/12/2012 2:27 PM
Đây là một trong những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Thuế TNDN sẽ được điều chỉnh xuống 23%.

Chia sẻ với báo chí chiều 13/12, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trước những biến động nhanh của nền kinh tế, một số quy định trong Luật thuế TNDN đã không còn phù hợp với thực tiễn, như: Mức thuế suất phổ thông hiện nay không còn hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực, nhất là gần đây các nước trên thế giới có xu hướng giảm thuế TNDN; Không có quy định ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng, DN có quy mô nhỏ và vừa, nên chưa tạo động lực khuyến khích thu hút đầu tư, góp phần vào việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả; Một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, chưa góp phần vào việc kiểm soát thu nhập, chi phí của DN; Một số khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh chưa được điều chỉnh trong Luật; một số khoản thu nhập cần được miễn thuế để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế;...

Và để khắc phục tồn tại, vướng mắc trên của Luật hiện hành, đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN, cho công tác quản lý thuế và hiện đại hoá công tác quản lý thuế và để thực hiện việc giảm dần mức động viên theo Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 thì việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN là cần thiết.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tế đó, Dự luật dự kiến tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung:

Thứ nhất, giảm thuế suất chung từ mức 25% hiện hành xuống còn 23%; riêng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (đáp ứng ứng 02 điều kiện: sử dụng dưới 200 lao động; và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 20%.

Việc giảm thuế suất chung và quy định doanh nghiệp co quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông như nêu trên là phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng tích tụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là những đối tượng có nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động trước những khó khăn của nền kinh tế.

Thứ hai, bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, như: doanh nghiệp DN thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập từ hoạt động này, không quy định miễn, giảm thuế TNDN; Bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư mở rộng vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN; Bổ sung thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản; thu nhập từ hoạt động báo in của cơ quan báo chí vào diện được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%; thu nhập của tổ chức tài chính vi mô vào diện áp dụng thuế suất 20%; ...

Thứ ba, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sau khi bù trừ lãi lỗ giữa thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản (nếu có) với nhau mà vẫn còn lỗ thì số lỗ đó doanh nghiệp được bù trừ với thu nhập từ hoạt động SXKD trong kỳ tính thuế.

Bất động sản sẽ nhận được thêm nhiều hỗ trợ từ chính sách thuế.

Quy định này cho phép khắc phục được tình trạng doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) khi thị trường diễn biến xấu, phát sinh lỗ nhưng không xử lý được lỗ gây nợ xấu do doanh nghiệp chuyển nhượng BĐS bị lỗ nhưng theo luật hiện hành không được phép được chuyển lỗ vào thu nhập từ hoạt động SXKD.

Trong điều kiện thị trường thuận lợi, doanh nghiệp có thu nhập từ các hoạt động này thì vẫn thực hiện hạch toán riêng để kê khai nộp thuế và chỉ được bù trừ lãi lỗ trong phạm vi các loại thu nhập này với nhau trong kỳ tính thuế.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định một số nội dung mới trong việc xác định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập tính thuế, trong đó có nhiều nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như:

Về quy định về vốn mỏng (tình trạng DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn rất ít): Để góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho DN và của nền kinh tế, góp phần chống chuyển giá, dự thảo Luật bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 10 lần vốn chủ sở hữu).

Đồng thời để phù hợp với thực tiễn Việt Nam là nền kinh tế đang thiếu vốn, DN hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, dự thảo Luật quy định rõ lộ trình thực hiện từ ngày 01/01/2016, áp dụng đối với các khoản vay phát sinh từ ngày 01/01/2006 để doanh nghiệp có thời gian chủ động trong việc tái cơ cấu và cân đối lại các nguồn vốn hoạt động.

Một điểm khác cũng được dự án Luật điều chỉnh sửa đổi là sẽ loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí không chế, đồng thời nâng lên mức 15% (là mức hiện hành chỉ áp dụng cho doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm đầu).

- Mở rộng phạm vi tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với các khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để khuyến khích DN cùng chia sẻ với Nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho NSNN trong điều kiện đất nước còn có khó khăn và phù hợp với nguyện vọng của các địa phương đang cần được tài trợ.

Bên cạnh đó, dự án Luật cũng bổ sung quy định về khoản chi đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động của doanh nghiệp để khuyến khích sự hình thành quỹ hưu trí tự nguyện; Bổ sung quy định điều kiện được tính vào chi phí được trừ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần mà theo quy định của pháp luật phải thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quản lý kiểm soát thu nhập của các tổ chức;...

Theo Thanh Ngọc (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.